Theo Reuters, hôm 27/2 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đang có chuyến thăm Mỹ.
Ông Dương Khiết Trì là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc gặp Tổng thống Trump kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Một quan chức cấp cao chính phủ Mỹ cho biết cuộc gặp diễn ra khá chóng vánh, chỉ 5-7 phút. Nhưng trước đó ông Dương đã có các cuộc gặp với tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster, con rể kiêm cố vấn cấp cao của ông Trump – Jared Kushner và chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon.
Ông Dương được lựa chọn đến Mỹ lần này vì là nhân vật giàu kinh nghiệm ngoại giao. Ông Dương từng là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, từng làm việc với nhiều nhà ngoại giao Mỹ trong thời gian làm Ngoại trưởng Trung Quốc.
Tại cuộc gặp, hai ông Trump và Dương đã bàn về quan hệ hợp tác song phương. Tổng thống Trump cho biết Mỹ rất coi trọng quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Ngoài ra cả hai đã bàn đến việc sắp xếp cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên nguồn tin cho biết ngày gặp chưa được ấn định.
Ngày Trung Quốc thay thế vai trò của Mỹ còn quá xa vời?
Theo SCMP, những cuộc tiếp xúc vài ngày qua cho thấy khả năng cao nhất cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Trung-Mỹ sẽ được diễn ra ở bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức vào tháng 7 tới.
Đây sẽ là lần chạm mặt đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo nổi bật hàng đầu thế giới hiện nay – Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ đang muốn rút bỏ dần vai trò trên sân khấu toàn cầu, trong khi Bắc Kinh đang rất hào hứng trở thành một trong những quốc gia gánh vác trách nhiệm mà Washington để lại.
Gần đây, một cuộc tranh luận sôi nổi đang trở thành tâm điểm chú ý trong giới học giả ở Trung Quốc. Đó là quan điểm về việc liệu đã đến lúc Bắc Kinh nên thay thế Mỹ, nắm trọn vai trò của một quốc gia lãnh đạo toàn cầu hay không. Chủ đề này bắt đầu được thảo luận một cách nghiêm túc hơn kể từ sau bài phát biểu ủng hộ toàn cầu hóa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Davos hồi đầu năm nay.
Tuy nhiên Giáo sư Dingding Chen, học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Tế Nam cho rằng, cuộc tranh luận về vai trò của Bắc Kinh trên sân khấu thế giới đang đi quá xa. “Thế giới sẽ có nhiều vấn đề cần tới sự lãnh đạo của Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực phát triển mang tính toàn cầu. Trong thời điểm chính quyền Trump đang cải cách lại chính sách đối ngoại, một cơ hội mới đã mở ra đối với khát khao đứng đầu của Bắc Kinh”, Giáo sư Dingding Chen nói trên The Diplomat.
Mặc dù vậy cần phải hiểu một cách rõ ràng rằng, gánh trên vai trách nhiệm của một nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ mang đến không ít những bất lợi. Điều này đã được chính trường hợp của Mỹ thể hiện rõ trong những thập kỷ gần đây. Một lý do chính lý giải cho chiến thắng của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 chính là sự thất vọng và mệt mỏi của cử tri khi cảm nhận về sự tham gia quá sâu của Mỹ trong các vấn đề quốc tế.
Ở góc độ lý tưởng nhất, một cường quốc lớn nên có sự cân bằng tinh tế giữa đảm bảo nghĩa vụ quốc tế đồng thời giải quyết tốt nhiệm vụ trong nước. Đối với một đất nước đang phát triển như Trung Quốc, nhiều vấn đề nội bộ vẫn đặt ra sức ép rất lớn với giới lãnh đạo. Do đó Giáo sư Dingding Chen cho rằng để bàn về việc lãnh đạo toàn cầu đối với đất nước của ông lúc này có vẻ quá sớm và không đúng lúc.
Mặt khác, một trật tự toàn cầu ổn định không thể hoạt động tốt nếu thiếu đi một vai trò người dẫn đầu. Nhưng theo một nhận định nổi tiếng của Giáo sư Joseph Nye từ đại học Havard: “Trung Quốc dường như là quá yếu chứ không phải quá mạnh mẽ”, ông cho rằng hình ảnh Trung Quốc trỗi dậy trong vài năm trở lại đây phần lớn là dựa vào sự nổi bật trong cách dẫn dắt đất nước của ông Tập Cận Bình. Do vậy cần phải nhận thức rằng, việc trao vai trò lãnh đạo cho một đất nước chưa đủ tiềm năng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Cần phải nhớ rằng, dưới sự lãnh đạo của Donald Trump, Mỹ hiện đang tìm cách giảm bớt gánh nặng toàn cầu, trong đó Washington sẽ hạn chế việc cung cấp lợi ích cho những vấn đề tầm vóc như biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo hay toàn cầu hóa thương mại.
Trong khi đó một Trung Quốc còn đang đau đầu với những vấn đề nhức nhối trong nước, sẽ không mặn mà nhận lại trách nhiệm quốc tế từ tay Mỹ. Do vậy Giáo sư Dingding Chen cho rằng, Mỹ - vốn được coi như một siêu cường duy nhất trên thế giới vẫn nên duy trì trách nhiệm của mình đối với quốc tế. còn Trung Quốc - chỉ nên chiếm một phần nhỏ trong đó, bên cạnh việc tích cực tham gia vào các vấn đề toàn cầu thông qua các giải pháp hòa bình và mang tính xây dựng.
Bắc Kinh cũng nên áp dụng một chiến lược làm “an lòng” các nước láng giềng châu Á khi nói đến các tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tránh việc biến những quốc gia này trở thành quân bài giằng xé giữa trong trò chơi của các nước lớn.
Ngoài ra, vấn đề của Trung Quốc chính là cần phải xóa bỏ tư tưởng cho rằng sự tham gia tích cực hơn trong các vấn đề toàn cầu là một âm mưu của phương Tây để khiến nước này rơi vào mớ rắc rối lộn xộn trong khu vực và tự mình làm suy yếu bản thân.
Theo học giả Dingding Chen, cách suy nghĩ như vậy của giới lãnh đạo Trung Quốc là không lành mạnh, vì thực tế không có nước nào chối bỏ tầm ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc cũng như từ chối sự giúp sức của nước này trong các vấn đề toàn cầu.
Đọc thêm>>> Tồn tại 'Nhà nước ngầm' ngoài tầm kiểm soát của ông Trump?
Quốc Vinh