Cô chủ nhiệm hồi đầu cấp của chúng tôi đã mất vào mấy năm trước vì bệnh ung thư, ngày cô mất tôi không về được vì không biết tin, ngày đó tôi là một trong những đứa học trò thân cận với cô nhất. Ngoài tôi ra thì còn có Thiên, Ngân, Thành đều là những đứa học trò mà cô yêu quý. Đi học về chúng tôi toàn đạp xe đến nhà cô ở một xã khác để quanh quẩn chơi với cô, nhà có trái cây gì ngoài vườn cô đều hái vào cho bọn học trò nghịch ngợm.
Tôi hỏi thăm tình hình của từng đứa, có đứa tôi cũng chẳng còn nhớ tên nữa nhưng khuôn mặt thì không quên. Thằng Linh ngồi bàn đầu, không hiểu vì lẽ gì mà đi tù, tôi nghe xong thấy bàng hoàng vô cùng.
Ngày xa trường lớp, rời xa bạn bè là lúc mà chúng tôi vẫn còn là những cô cậu bé, sống đơn thuần. Vì vậy, trong suy nghĩ của tôi, chúng nó vẫn chỉ là những đứa trẻ nghịch ngợm. Thế rồi khi trưởng thành, mỗi đứa đều có một ngã rẽ của riêng mình, những ngã rẽ đó đưa chúng tôi tới những con đường khác nhau nhưng hoài niệm về một thời học trò vẫn luôn lẩn khuất trong lòng mỗi người. Tuổi học trò hồn nhiên đã qua đi rất nhanh. Càng qua nhanh hơn khi tôi không có được một quãng ký ức học trò dài như người khác.
Cứ mỗi độ tháng 9 về, tôi thường ngồi ngắm nắng vàng nhàn nhạt hắt trên ô cửa sổ, hồi tưởng lại quãng thời gian đi học trước đây. Nếu nói đời học sinh vô lo vô nghĩ cũng không hẳn, nhưng cái lo nghĩ của chúng tôi tại thời đó chỉ là lo làm sao để học cho thật là tốt, lo thi kém thì ba mẹ thầy cô lại buồn phiền. Mấy lần chí choé trong lớp với nhau tưởng chừng như ghét nhau lắm, vậy mà giờ trưởng thành cả rồi tôi lại mong được gặp lại chúng nó dù chỉ một lần.
Ngày đó, cứ mỗi mùa khai giảng, đứa thì có áo trắng mới để đến trường, đứa thì vẫn mặc chiếc áo ngà ngà của năm cũ, duy chỉ có khăn quàng đỏ là mỗi đứa đều được mua một chiếc mới. Cổng trường rộng mở với tiếng nhạc đoàn đội phát ra từ chiếc loa phát thanh rè rè gắn trên phòng giám hiệu, những chùm hoa phượng đỏ vẫn còn sót lại của tháng hè oi ả tô điểm một góc sân trường.
Buổi sáng 5/9 chính thức khai giảng, tôi mặc áo trắng váy xanh, mang đôi dép quai hậu màu xanh da trời mà ba đã mua cho tôi từ một tuần trước đó. Ba chở tôi đến trường trên chiếc xe máy cũ, trời mát dìu dịu của tiết trời chớm thu khiến tôi dễ chịu. Trên đường đi, có rất nhiều học trò giống như tôi cũng nô nức đi dự ngày tựu trường, ai cũng hớn hở, cũng có những nét mặt hơi căng thẳng sợ sệt mà tôi nghĩ rằng đó là học trò đầu cấp đang mang trong lòng nhiều âu lo, bỡ ngỡ.
Chúng tôi xếp hàng chào cờ và hát Quốc ca ở giữa sân trường, dưới những tán cây bàng to và rộng, bầy chim thỉnh thoảng chuyền cành ríu rít tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động. Khi thầy hiệu trưởng đánh trống khai trường, tôi biết một niên học mới lại đến. Những cuốn vở mới đã bao bọc cẩn thận được giở ra trang đầu tiên, nắn nót từng chữ một.
Giờ đây tôi đã trưởng thành, những ký ức đẹp đẽ đó đã lùi lại mười mấy năm trước. Bạn bè đồng niên thời đó giờ cũng lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Ấy vậy mà in sâu trong lòng tôi vẫn là cơn gió mát dịu sáng ngày khai giảng, vẫn là ngồi sau yên xe của ba bon bon trên con đường đến trường, vẫn là áo mới, tập vở mới.
Chúng ta, dù có đi đâu làm gì, ở Việt Nam hay sớm bôn ba xa xứ, thì mỗi ngày tựu trường hàng năm đều sẽ ít nhất một lần nhớ lại ngày tháng học trò với thứ cảm giác không bao giờ có thể quên đi được. Trân trọng, luyến tiếc và đầy hoài niệm với thời áo trắng đã trôi xa mà ai cũng ước giá như được một lần quay trở lại.
Tuệ Nghi