Ngày về của 21 đứa trẻ ở "địa ngục trần gian"

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Sau ít phút nghỉ ngơi ở sân bay Tân Sơn Nhất, 21 em nhỏ xách hành lý trên chiếc xe 24 chỗ để tiếp tục hành trình về với gia đình. Trải qua hơn 9 tiếng đồng hồ trên xe, đến khoảng 8h sáng 15/11, các em đã về đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

"Khoản tiền 8 triệu đồng với em là quá lớn"

Nhận được thông tin của các đồng nghiệp từ phía Nam thông báo, các em sẽ lên chuyến bay VN1164 vào lúc 18h30' và về đến Hà Nội lúc 20h30', chúng tôi đã gấp rút có mặt tại sân bay Nội Bài để có thể chứng kiến được niềm hạnh phúc ngày trở về của 21 đứa trẻ bị bóc lột sức lao động. Khoảng gần 21h, các em đã có mặt tại sảnh B khu vực nội địa đến của sân bay. Tranh thủ ít phút trước khi các em lên ô tô về Điện Biên, PV đã làm quen và được lắng nghe những câu chuyện hết sức xúc động trước giây phút các em được về với gia đình.

Gương mặt thoáng chút mệt mỏi, vén mái tóc lòa xòa lâu ngày không được cắt tỉa trước mặt, em Đường Thị Ph. (SN 1997, Bản Pún, Pún Lau, Mường Ảng) vẫn cởi mở chia sẻ với chúng tôi. Ph. nói: "Đây là lần đầu tiên em đi máy bay nên chưa quen, tai cứ ù ù nên cũng thấy khá mệt. Tuy nhiên mệt thế này thì vẫn chưa thấm gì so với những ngày mà bọn em phải làm quần quật mười mấy tiếng một ngày. Với lại, chỉ cần nghĩ được về với bố mẹ, không bị nghe mắng nhiếc và nhất là không phải nhịn… đi vệ sinh là em lại cảm thấy khỏe khoắn rồi". Mắt Ph. rưng rưng: "Hai năm xa nhà, không biết bao đêm em đã khóc. Nhà em có sáu anh em và em là chị cả. Em chỉ học hết lớp 8 thì nghe người làng giới thiệu vào Nam làm. Ở nhà tuy nghèo đói nhưng không phải tủi hổ như đi làm…".

Ngồi cạnh Ph. là Lò Thị N. (SN 1995, Bản Phong, Chiềng Sinh, Tuần Giáo). Cô bé có đôi mắt to với mái tóc buộc cao tinh ngịch bỗng im bặt khi PV đặt câu hỏi về gia đình. Em bối rối tâm sự: Không biết bố mẹ em có lên xã đón em không. Ngày trước, khi em xin vào TP. HCM làm bố mẹ em đã ra sức phản đối, không cho em đi. Mọi người trong nhà khuyên mãi không được còn lớn tiếng với em. Em cũng sợ bố mẹ, nhưng khi nghe chị cùng làng nói là vào TP.HCM làm có nhiều tiền, cuộc sống lại vui nhộn, được đi chơi nhiều nên em rất thích. Thế là em đã bỏ trốn vào Nam mặc cho bố mẹ không đồng ý. Nào ngờ, vào đó không được đi đâu chơi lại còn phải làm suốt ngày suốt đêm. Giờ đây em rất hối hận vì đã không nghe lời bố mẹ. Khi về nhà, lời đầu tiên em muốn nói với bố mẹ là lời xin lỗi".

Sau cuộc trò chuyện với N., chúng tôi hướng sự chú ý của mình đến một cậu bé nhỏ nhắn, tay ôm khư khư chiếc túi bóng có đựng vài bộ quần áo. Đến gần hỏi chuyện, PV mới biết em là Lò Văn Đ. (SN 1998, Bản Pún, Pún Lau, Mường Ảng). Đ. háo hức: "Tết này về em sẽ được đi chơi. Khi còn đi làm may, em rất sợ đến Tết vì khi đó hàng hóa rất nhiều, chúng em phải làm đến 12h đêm, có khi tận 1-2h mới được nghỉ". Khi PV hỏi, khi đã được giải cứu, em có thấy hận ông chủ của mình không, Đ. thành thật trả lời: "Em không ghét ông chủ. Nhiều lúc rất giận nhưng nghĩ dù sao mình đi làm và cũng được họ trả tiền. Số tiền hơn chục triệu đồng với gia đình em là rất lớn". Nghe câu trả lời của em bất giác chúng tôi cảm thấy xót xa trước suy nghĩ rất thật ấy. Có lẽ các em còn quá nhỏ để ý thức được rằng mình đang bị bóc lột một cách thậm tệ và chỉ được trả với số tiền công bèo bọt.

Giọt nước mắt hạnh phúc

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, anh Tạ Ngọc Vân (Tổ chức trẻ em Rồng Xanh, một tổ chức phi chính phủ chuyên hoạt động hỗ trợ trẻ em đường phố ở Việt Nam), người đã theo chân các em từ Hà Nội về Điện Biên cho biết: “Tại UBND xã Pún Lau (huyện Mường Ảng) từ 6h sáng đã có rất đông các gia đình đến đón con. Vì đã xa nhà rất lâu nên em nào cũng háo hức mong được về nhà gặp người thân. Khi gặp mặt, họ ôm chầm lấy nhau và những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn rơi. Hôm qua, nhiều gia đình vì nóng lòng muốn gặp con nên đã bắt xe từ Điện Biên xuống Hà Nội. Tuy nhiên vì không nắm rõ được lịch trình của đoàn nên họ đã không gặp được các em nên hiện tại mới đang trên đường về".

Thông tin thêm về buổi bàn giao các em về cho gia đình, anh Tạ Ngọc Vân cho hay: Xe của đoàn sẽ đưa các em về các xã, sau đó các gia đình sẽ đến đón các em về. 21 em đều là người dân tộc thiểu số sinh sống ở những địa bàn khó khăn. Chính vì thế, khi về đến mỗi địa phương, đoàn cũng tìm cách kêu gọi sự hỗ trợ từ phía địa phương để giúp đỡ các em trong thời gian tới.

Trao đổi với PV, chị Lò Thị Lò T. phụ huynh của em Lò Thị T. (SN 1995, bản Pún, Pún Lau, Mường Ảng) vui vẻ cho biết: "Mình đang đi chăn trâu ngoài đồng thì nghe người ta nói là các cán bộ đã đưa T. về đến ủy ban xã. Mình vội vàng nhờ người ta trông giúp rồi lên xã đón con. Xa con hai năm nên nhớ lắm. Chúng tôi sẽ không bao giờ cho con đi xa nữa".

Hỏi về lý do tại sao cho con đi làm xa, chị T. ngại ngùng: "Tôi đã có hai đời chồng. T. là một trong hai đứa con của tôi với người chồng thứ nhất. Sau khi chồng đầu tiên qua đời, tôi lấy chồng hai và sinh được 6 đứa con nữa. Nhà đông con, gia đình khó khăn, anh trai của T. lại bị bệnh gan rất nặng nên đành cho con đi làm xa. Không ngờ con mình lại khổ thế. Điều tôi hối hận nhất là T. đã không còn gặp được anh trai của nó nữa… ".

Buổi trưa cùng ngày, em Lò Thị T. đã có mặt tại gia đình. Em Lò Thị T. (em gái của T. hiện đang học lớp 9 tại Trường THCS xã Pún Lau) vừa đi học về thấy chị đã ôm ghì lấy. Trong nước mắt T. nói: "Em sẽ không bao giờ cho chị đi xa và làm vất vả như thế nữa. Nếu vì kiếm tiền cho em ăn học thì em thà nghỉ ở nhà còn hơn".

Bữa cơm trưa hôm ấy ở nhà Lò Thị T. chỉ có cơm trắng và rau luộc nhưng có lẽ đó là bữa cơm vui nhất, ngon nhất mà T. mong chờ suốt hai năm qua. Một bữa cơm đầy ắp tiếng cười…

P.Hạnh - D.Thu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.