Ngày về sau hành trình lưu lạc của 5 mẹ con nơi xứ người

Ngày về sau hành trình lưu lạc của 5 mẹ con nơi xứ người

Thứ 4, 07/12/2016 16:18

21 năm làm vợ ở xứ người, sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc, cuộc sống cùng cực đã thôi thúc chị T. mang theo 4 người con, quyết vượt biên trở về quê mẹ.

Tháng ngày tủi nhục làm dâu “chui” ở xứ người

Những ngày gần đây, người dân xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) xôn xao trước việc chị Tô Thị T. (SN 1973, trú xã Đông Lĩnh) sau 21 năm mất tích nay đã tìm lại được cội nguồn. Tuy nhiên việc chị T. việc trở về mang theo 4 người con Trung Quốc khiến nhiều người bất ngờ.

Tìm đến gia đình chị Tô Thị T. (trú tại thôn Sơn, xã Đông Lĩnh), vừa bước vào cổng, chúng tôi bất ngờ gặp một bé gái độ 12 tuổi, chào hỏi bằng thứ ngôn ngữ rất lạ. Khi vào trong nhà mới hay đó là cô con gái út của chị T. Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, rất nhiều người thân gia đình chị T. có mặt để thăm hỏi, động viên mẹ con chị.

Mới 43 tuổi nhưng khuôn mặt chị T. gầy gò, ốm yếu như một bà lão cũng, điều đó phần nào hiểu được cuộc sống khổ cực, đắng cay của chị nơi xứ người. Mỗi khi có ai hỏi đến chuyện bị lừa bán sang Trung Quốc làm dâu, nước mắt chị lại tuôn trào trên khuôn mặt già nua, khắc khổ.

Xã hội - Ngày về sau hành trình lưu lạc của 5 mẹ con nơi xứ người

 Chị T. cùng con gái út kể lại cuộc sống tủi nhục nơi xứ người và hành trình trở về quê hương sau 21 năm xa cách.

Theo lời kể của chị T., chị là con cả trong gia đình có 4 chị em. Thủa nhỏ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cái nghèo đói khiến mấy chị em phải nghỉ học giữa chừng. Năm 1995, lúc đó chị T. mới 22 tuổi, nghe lời bạn rủ ra Lạng Sơn hái chè thuê. Do cuộc sống khó khăn nên chị T. đã đồng ý. Cứ tưởng lên Lạng Sơn sẽ kiếm được một công việc để có tiền phụ giúp gia đình nhưng khi ra đến cửa khẩu, chị đã bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông tên Sèng (dân tộc Hán) ở khu vực miền núi heo hút thuộc tỉnh Quảng Đông. Kể từ đó chị T. mất liên lạc với người thân, mọi người ở quê cứ nghĩ chị T. đã qua đời.

Sang Trung Quốc do bất đồng ngôn ngữ, lại bị gia đình chồng quản thúc nên những năm tháng làm dâu “chui” ở xứ người là những tháng ngày tủi nhục, đắng cay. “Trước khi tôi bị bán làm vợ cho chông tôi, anh ta đã từng có 2 vợ nhưng họ bỏ đi hết. Vì vậy, khi tôi về làm dâu thì bị chồng và gia đình quản thúc rất chặt. Nếu không vừa ý, họ đánh đập tôi thậm tệ. Cuộc sống ở quê chồng cũng nghèo khó, lại ở vùng núi cao nên việc liên lạc về Việt Nam là không thể”, chị Thương nghẹn ngào nói.

Do bị bán “chui” nên chị T. không có giấy tờ tùy thân, lấy chồng không hôn thú, không được nhập quốc tịch nên phải sống chui lủi, khổ cực. Dù có con với người đàn ông Trung Quốc nhưng bà Thương không thể quên được quê nhà và mong muốn một ngày được trở về. “Năm 1996, khi sinh đứa đầu tiên được mấy tháng, nửa đêm tôi ôm con bỏ trốn nhưng ra đến bến xe thì bị người nhà chồng đuổi theo, bắt trở lại. 3 năm sau, tôi trốn một lần nữa nhưng cũng bất thành. Chồng đã chết cách đây 8 năm, tôi lúc nào cũng ấp ủ dự định trở về quê nhà nhưng nếu đi một mình để lại 4 đứa con bơ vơ thì không an lòng nên quyết tâm cùng 4 đứa trốn về Việt Nam”, chị T. chia sẻ thêm.

Cuộc sống cùng cực sau 21 năm mất tích trở về

Dù chồng đã qua đời 8 năm nay, nhưng lúc nào cũng có người trong gia đình theo dõi nên “kế hoạch” về nước của chị T. không hề dễ. Để về quê, 5 mẹ con chị T. phải bỏ trốn trong đêm. Họ đi bộ hơn 30 km đường rừng, sau đó bắt xe đến huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây rồi vượt biên bằng thuyền về nhà.

Xã hội - Ngày về sau hành trình lưu lạc của 5 mẹ con nơi xứ người (Hình 2).

 Ngôi nhà tạm bợ của 5 mẹ con chị T. sau khi về Việt Nam.

Trở về quê hơn 3 tháng nay, chị T. lúc nào cũng sống trong lo âu do 5 mẹ con đều không hộ khẩu, hộ tịch. Hiện tại, 5 mẹ con chị đang ở nhờ trong ngôi nhà của người em trai đi làm ăn xa để không, việc sinh hoạt được họ hàng và chòm xóm giúp đỡ. Lần này chị về, người bố để đã qua đời, còn mẹ thì theo em trai vào miền Nam sinh sống.

Việc khó khăn của 5 mẹ con chị lúc này là việc 5 người bỏ về Việt Nam hiện chẳng ai có giấy tờ tùy thân, vì thế rất khó trong việc làm hộ khẩu, hộ tịch.

Do không biết tiếng Việt nên cả 4 người con của chị T. không dám đi đâu, làm gì, nhiều tháng qua chỉ quanh quẩn ở nhà. Bà con, hàng xóm nhận xét 4 người con của bà Thương rất ngoan và hiền lành.

Xã hội - Ngày về sau hành trình lưu lạc của 5 mẹ con nơi xứ người (Hình 3).

 Những người họ hàng hỗ trợ gạo cho 5 mẹ con.

Thông tin từ lãnh đạo chính quyền xã Đông Lĩnh, ngày 7/9, địa phương nhận được thông tin chị T. trở về cùng với 4 người con sau 21 năm mất tích. Sau khi nắm bắt tình hình, chính quyền địa phương đã tìm đến gia đình tìm hiểu. Việc chị T. bị lừa bán qua Trung Quốc làm vợ từ năm 1995 là có thật. 4 người trở về cùng, chị T. khai là con của mình với người đàn ông Trung Quốc. Các cháu đều đã lớn, từ 12 đến 20 tuổi, hiện đang được địa phương giám sát.

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Công an xã Đông Lĩnh cho hay: “Việc nhập quốc tịch cho mẹ con chị T. không đơn giản, chưa nói đến việc 4 cháu không có giấy tờ gì, trong đó 2 cháu trên 18 tuổi. Việc này, chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên. Công an TP cũng đã nhiều lần cử người về xác minh thêm thông tin để đưa ra hướng xử lý. Trước mắt, xã đã yêu cầu thôn, xóm quan tâm, hỗ trợ gia đình chị T. phần nào để họ ổn định cuộc sống”.

Thiện Quyền

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.