Ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của những người kinh doanh, làm ăn buôn bán. Chẳng thế mà vào dịp này, người dân ba miền Bắc Trung Nam tất bật sửa soạn lễ vật để cúng Thần Tài với mong muốn phát tài phát lộc.
Phong tục mỗi nơi cũng có chút khác biệt, tuy nhiên tựu trung vẫn có những nguyên tắc không thể xê dịch. Cụ thể, vào ngày vía Thần Tài, dù là người miền Bắc, miền Trung hay miền Nam cũng đều tìm mua nước thơm, rượu trắng để lau bàn thờ, lau tượng ông Thần tài và ông Thổ địa.
Ban thờ Thần Tài ngày vía Thần Tài cũng cần có lọ cúc vạn thọ, 2đèn cầy, 2 điếu thuốc, gạo, muối hột để trên đĩa nhỏ. Ngoài ra còn có thêm bài vị Thần tài, vàng bằng giấy, 3 chén nước và 2 chén rượu để đặt trên ban thờ ngày vía Thần tài.
Do đa số mọi người đã lau dọn ban thờ trước khi ăn tết nên chỉ cần lau bụi, sắp xếp lại gọn gàng để mặt trước bàn thờ gọn gàng, sạch sẽ, quang đãng trước khi làm lễ cúng là được.
Do dân gian truyền tai nhau Thần Tài thích ăn thịt quay nên vào ngày vía Thần Tài, nhiều gia đình, công ty tìm mua thịt quay để cúng. Ngoài thịt quay, gia chủ cũng cần chuẩn bị mâm cỗ Tam sên gồm: 1 miếng thịt heo luộc, trứng luộc và tôm (hoặc cua) luộc. Chữ “Tam Sên” theo một số quan niệm dân gian thì được bắt nguồn từ chữ “Tam Sinh” với 3 biểu tượng: Thai sinh, Noãn sinh và Thấp sinh.
Cũng có lý giải Tam sên là 3 loài vật tượng trưng cho Thổ - miếng thịt heo (sống trên cạn); Thủy - con tôm hoặc cua (sống dưới nước); Thiên - trứng gà hoặc trứng vịt (đại diện loài có lông vũ bay trên trời, và lí do người ta dùng trứng là để biểu trưng hơn cho tính phồn thực).
Mỗi vùng miền mâm cỗ Tam sên cũng khác nhau. Ở miền Trung, người dân cúng môi (mép) bò, dồi trường, lưỡi heo; còn ở miền Nam do phong tục thường thờ chung Thần Tài với ông Thổ địa nên còn chuẩn bị thêm cá lóc nướng để cúng.
Người miền Nam cúng cá lóc để nguyên con, không cạo vảy, không cắt vi và đuôi, đem đi nướng trui. Việc để nguyên trạng cá lóc như trên là để tưởng nhớ rằng ông cha rất thiếu thốn khó khăn trong buổi đầu khai hoang, không quan tâm cả váy cả con, miễn sao nuôi dưỡng được bản thân và đảm bảo công việc là được.
Không chỉ cần chuẩn bị thịt quay, thịt luộc, tôm, trứng mà khi chuẩn bị ngày vía Thần Tài, người dân ba miền Bắc Trung Nam cũng cần chú ý phải có hoa, trái cây. Trong các loại trái cây, người ta chọn quả có tên, màu may mắn, ví dụ quýt (vì tiếng Hoa đọc là cát trong cát tường như ý), cúng thanh long đỏ, dưa hấu đỏ,… với ý nghĩa được may mắn cả năm.
Cũng có nơi mâm cúng Thần Tài còn có xôi và chè trôi nước với mong muốn làm ăn, buôn bán trôi chảy. Ngày vía Thần Tài, người dân còn đổ xô đi mua vàng đặt lên bàn thờ để lấy lộc.
Một trong những nguyên tắc vô cùng quan trọng vào ngày vía Thần Tài mà ai cũng nên chú ý là cúng vào giờ tốt, từ 8 – 9h sáng ngày mùng 10 tháng Giêng, không cúng 12 giờ trưa vì quan niệm đây là giờ âm.
Chú ý, hoa và quả phải dùng hoa quả tươi, không dùng hoa quả nhựa. Cúng Thần Tài xong thì gạo và muối cất đi để dùng không được rắc ra ngoài. Rượu, nước đứng ở ngoài cửa tưới vào nhà mang ý nghĩa đem tài lộc vào nhà. Hoa quả và bánh kẹo chỉ chia nhau với người thân trong gia đình, không chia sẻ với người ngoài.
Đình Văn (Tổng hợp)