Vu Lan hay còn gọi mùa báo hiếu, được tổ chức từ ngày mùng 8 đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được vãng sanh cực lạc. Vu Lan còn là dịp để những người may mắn còn cha còn mẹ, thực hành sống thương yêu cha mẹ mình hơn nữa.
Vu Lan là đọc theo âm tiếng Pali chữ Uilambana, có nghĩa là cứu vớt những người đau khổ.
Lễ Vu Lan chính thức được tổ chức vào ngày 14, 15 âm lịch. Các Phật tử dâng phẩm vật, cúng dường tăng, nhờ thần lực bất khả tư nghị của Phật, của Pháp, của Tăng, hồi hướng công đức để cha mẹ được sống trong cực lạc. Vu Lan diễn ra vào dịp tự tứ, bởi vì sau ba tháng an cư, chư tăng thông qua tu tập giới luật, thọ trì, sám hối truớc đại chúng, có đầy đủ giới pháp thanh tịnh, tạo thành uy lực cứu độ cha mẹ chúng ta.
Vu Lan, chùa nào cũng chuẩn bị bông hồng để tặng. Ngày đó vào chùa lễ Phật, nếu may mắn còn mẹ, bạn sẽ được gắn một hoa hồng lên áo. Nếu như không may, mẹ không còn nữa, bạn sẽ được gắn một bông hoa trắng. Những bông hoa trắng khi cài lên ngực áo, hình như cả người tặng và người nhận đều không vui. Nét mặt của cả hai đều buồn bã lắm. Buồn bã vì đã mồ côi mẹ.
Tôi may mắn là vẫn còn mẹ. Để mỗi khi đi làm về tôi được hỏi “Mẹ khoẻ không?” Rồi được nghe mẹ trả lời “Mẹ khoẻ”. Đối với tôi đó là điều may mắn và hạnh phúc. Hạnh phúc trong hiện tại mà tôi phải nâng niu và quý trọng.
Nói như vậy mới biết ý nghĩa sự có mặt cha, mẹ mình trong cuộc đời. “Mồ côi tội lắm ai ơi” Cái tội này khi mất cha, mất mẹ mình mới thấm thía, mới thấu hiểu. Mồ côi, không chỉ đói cơm, khát nước, mà còn đói khát tình cảm.
Phía sau những bức ảnh chụp anh em tôi lúc nhỏ, mẹ thường ghi những lời kỉ niệm với mốc thời gian tính bằng tuần, bằng tháng tuổi con của mẹ. Khi có tuổi, mỗi lần rỗi rãi, hoặc lễ tết, mẹ lại nhẩm tính tuổi từng đứa một. Riêng tôi, bị mẹ đếm tuổi nhiều nhất. Đơn giản vì tôi chưa lập gia đình làm mẹ lo lắng.
Mẹ hãnh diện vì con mẹ nay đã trưởng thành. Nhưng dù có lớn khôn bao nhiêu, tôi vẫn là con khờ dại của mẹ. Tôi vẫn cần sự chở che, nương tựa vào mẹ. Là nơi tôi quay về để chia sẻ những nỗi buồn tôi gặp phải.
Nuôi con, mẹ không chỉ tính từng tháng từng ngày, mà còn phải chịu bao khó khăn gian khổ. “Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”.
Tôi nhớ hồi tôi khoảng 7, 8 tuổi gì đó. Thời đó kinh tế khó khăn cả nhà chỉ có mỗi cái cái mền. Gọi là mền vì nó dùng để đắp chứ thật ra nó rất mỏng. Mùa đông, cái lạnh thấu xương. Đêm lạnh, mẹ tôi nhường mền đắp cho các anh em tôi. Mẹ ôm các con mẹ vào lòng để sưởi ấm mà lưng mẹ lại lạnh cóng.
Cơm ăn cũng vậy. Cả nhà xoay quần bên tô cơm thật to, mẹ đút cho từng đứa một. Cứ như vậy cho đến khi hết tô cơm. Thời đó, mọi gia đình đều thiếu gạo phải chạy ăn từng bữa. Nhiều bữa thiếu cơm, mẹ chẳng có gì trong bụng. Dẫu rằng mẹ tôi là người cần ăn nhiều nhất, vì mẹ phải ăn để lấy sức đi làm nuôi chúng tôi.
Đến tuổi đi học, anh em tôi được mẹ tự tay dẫn đến trường mỗi sáng. Giờ ra chơi những lúc rảnh mẹ lại đứng ở ngoài cổng nhìn vào xem các con của mẹ ra sao.
Cuộc sống như vậy cứ trôi đi theo năm tháng. Tuổi thơ anh em tôi hồn nhiên, bởi có sự yêu thương của mẹ. Mồ côi cha lúc 7 tuổi, nhưng nhờ sự yêu thương chăm sóc của mẹ nên tôi không phải chịu cảnh “Lót lá mà nằm”.
Tình yêu thương của mẹ đối với anh em tôi là vậy. Phận làm con, tôi đã làm gì để báo hiếu mẹ khi mẹ còn sống?
Trong tác phẩm Bông hồng cài áo, thầy Nhất Hạnh khuyên thực hành yêu thương với mẹ. Lời khuyên rất đơn giản, nhưng có lẽ do đơn giản nên ít ai làm. Đó là hãy ngồi thật lâu bên mẹ mình rồi cầm tay mà nói “Mẹ biết không, con yêu mẹ”.
Nếu mình thấy gượng gạo, không tự nhiên khi phải nói như vậy, thì chỉ cần nói hôm nay mẹ khoẻ không? Mẹ khát nước không, con đem nước mẹ uống. Chỉ cần có vậy, mẹ mình chẳng còn rầy la, buồn phiền với mình nữa. Cho dù trước đây mình đã làm điều gì đó không phải với mẹ.
Rồi hãy ngồi lặng im và nhìn thật kỹ mẹ để cảm nhận hạnh phúc vì mẹ mình vẫn còn sống với mình. Đó là hạnh phúc trong hiện tại. Hạnh phúc khi được mẹ chăm lo cho chúng ta. Khi đã làm được điều đơn giản như vậy, mình đã làm một điều gì đó vui lòng mẹ, nói cao hơn nữa đó là báo hiếu mẹ mình.
Trong cuộc đời, phận làm con có báo hiếu cả đời, có dời sao lấp biển cũng không báo hiếu hết được công lao sinh thành của mẹ. Vì tình nghĩa mẹ ví như nước trong nguồn. Nước trong nguồn thì không bao giờ cạn, vì vậy chúng ta cứ yên tâm báo hiếu bằng những gì hiện có. Không cần phải đợi có nhiều tiền để mua sắm những vật dụng mẹ thích mới gọi là báo hiếu. Mẹ mặc áo quần đẹp của ta mua, nhưng sớm chiều không thăm viếng hỏi han mẹ thì rõ ràng mẹ vẫn chưa được hạnh phúc lắm.
Vậy những gì chúng ta làm là ngày đêm luôn nhớ mong về mẹ. Hãy nghĩ về mẹ của chúng ta từng giây phút như mẹ đã nghĩ đến ta khi ta còn bé vậy. Có vậy thì tình thương đó mới biểu hiện thành hành động cho dù đó là hành động đền đáp bằng vật chất hay tinh thần.
Theo tinh thần nhà Phật, để cha mẹ được an vui, ngoài việc báo hiếu như trên. Nhà Phật còn dạy chúng ta phải thực hiện ngũ giới. Vì có giữ ngũ giới, con người chúng ta mới có chính kiến trong suy nghĩ và hành động. Mỗi khi có chính kiến thì sẽ có cái nhìn trí tuệ, thực hành chánh đạo, làm những việc đúng, xa rời việc ác. Đó chính là ý nguyện, là lời dạy của mẹ chúng ta. Làm theo đó là báo hiếu mẹ vậy.
Bạn đọc Hoàng Phước Đại (VNN)