Tôi thực sự biết rung rinh khi buớc vào những năm học cấp 3. Mối tình học trò, trong leo lẻo như bao mối tình khác của thế hệ 7X thời bấy giờ. Nàng có rất nhiều điểm giống tôi, cùng nhà nghèo, cùng giỏi giang chữ nghĩa.
Bố mẹ mất khi nàng 3 tuổi. Nàng ở với ông bác ruột của mình. Ông này là thuyền truởng tàu VOSCO hẳn hoi, giàu lắm nhưng không hiểu tại sao lại đối xử với cháu mình như một nô lệ. Nàng ở trong một cái phòng nhỏ tẹo tèo teo ngay bên dãy chuồng lợn của nhà ông.
Tôi không hiểu tại sao nàng lại có thể ăn ngủ, học hành trong cái phòng sặc sụa mùi phân lợn như thế. Cuộc sống của nàng vẫn lam lũ, vất vả như bao đứa trẻ mồ côi khác ở quê. Nhưng nàng chưa bao giờ giận hờn hay oán trách gì ông bác ruột của mình. Chúng tôi gần gũi nhau từ cái hoàn cảnh sống khốc liệt như thế.
Tình yêu cũng không có gì ngoài những cái nhìn trộm, những bài thơ vụng về lén lút nhét vào cặp của nhau. Những bài văn mẫu của tôi, bao giờ cũng do nàng đọc. Mà qua giọng đọc của nàng, chúng bỗng trở nên hay ho, quyến rũ hơn.Tôi nhớ mãi, có lần nàng đọc bài phân tích bài thơ Thề non nước (Tản Đà) của tôi, nàng đã khóc ngay tại lớp rồi bỏ chạy ra ngoài.
Lần nắm tay nhau duy nhất là đêm cuối cùng chia tay của lớp. Hai đứa đã trốn nhà, cứ nắm tay nhau đi lang thang dưới những gốc cây bạch đàn, trong 1 đêm trăng sáng.
Rồi chúng tôi cùng nhau chuẩn bị cho kỳ thì đại học. Vì nhà nghèo nên chúng tôi không đi ôn ở đâu xa mà chỉ chỉ quanh quẩn ngay trong khu vuờn nhà tôi. Mỗi đứa ngồi dưới một gốc cây mít, với cây đèn bão và đống trấu ủ để xua muỗi. Tôi hay ngủ gật, còn nàng thì hầu như không ngủ. Những ngày ôn thi khốc liệt ấy, chúng tôi chăm sóc nhau bằng những củ khoai, củ sắn.
Với nỗ lực vượt khó, chúng tôi vẫn đi tới được cái đích của niềm mơ uớc. Nàng và tôi cùng thi vào ĐH tổng hợp cũ. Nàng đỗ vào khoa Văn với số điểm cao chót vót, còn tôi cũng đậu vào khoa Sử.
Nhưng nàng không đi học vì bác nàng sợ học đại học tốn kém. Hôm tiễn tôi đi, mắt nàng đỏ hoe.Thương lắm. Cả xã tiếc cho nàng. Rồi nàng đi học trung cấp sư phạm tỉnh. Nàng chăm viết thư cho tôi.
Chính nàng đã thức mấy đêm ròng, tự tay chép lại luận văn tốt nghiệp đại học gần 200 trang cho tôi.
Tôi đi học, mang theo gánh nặng trên vai. Cuộc mưu sinh đọa đày đã khiến tôi tự yá́ chia lìa nàng. Tôi sợ mình chẳng mang lại điều gì hay ho cho nàng. Nàng lặng lẽ đi lấy chồng sau khi ra trường. Nàng lấy một anh công nhân nghèo khổ. Họ có với nhau hai đứa con sinh đôi. Cả hai đều học rất giỏi ở trường chuyên của tỉnh và đều thi đỗ Đại học.
Giờ nàng đã làm hiệu trưởng một trường cấp 1-2 của huyện. Thi thoảng tôi vẫn đọc những truyện ngắn nàng in trên báo Văn nghệ. Vẫn lối viết giản dị mà dạt dào cảm xúc như chính con người nàng vậy.
Tết năm ngoái, tôi về quê có tạt qua nhà nàng. Căn nhà đơn sơ nhưng vô cùng ấm cúng do có bàn tay khéo sắp đặt của nàng. Chồng nàng thấy tôi lên ti vi nhiều lần, cứ ngỡ tôi là siêu sao nên cũng nể phục lắm.
Biết tôi vẫn còn lông bông, lằng nhằng chuyện vợ nọ, con kia, nàng buồn lắm. Nàng trách tôi trẻ con mãi chưa chịu lớn, có mặt trên đời chỉ để làm khổ phụ nữ. Lúc tôi ra về, nàng còn chạy vào trong nhà, lấy ra 1 xấp thư cũ đưa cho tôi. Đó là những lá thư ngày xưa tôi viết gửi cho nàng. Hóa ra nàng vẫn cất giữ chúng như một kỷ niệm khó quên. Lúc phóng xe ra đầu làng, tôi vẫn nhìn thấy nàng đứng trên bờ đê với mái tóc dài buông xõa nhìn theo.
Tôi về Hà Nội, lại tiếp tục quay cuồng trong cơn lốc điên loạn của đời sống thị thành. Thi thoảng nhớ về những ngày xa lắc xa lơ vẫn có cảm giác lâng lâng, dịu ngọt và cồn cào khó tả.
Sau lần gặp đó, chúng tôi luôn coi nhau như bạn, chia sẻ ngọt bùi, khó khăn trong đời sống hàng ngày. Thế mới biết, người ta có thể đến rồi đi trong cuộc đời nhau vì rất nhiều lý do gì đó. Nhưng cách ứng xử với nhau sau những biệt ly, chia lìa ấy mới là điều đáng để suy nghĩ. Có nguời thì quên nhau như chưa từng biết, có người lại coi như kẻ thù.
Riêng tôi, tôi vẫn nhớ về mối tình đó như nhớ một kỷ niệm đẹp đẽ, đầy luyến tiếc… Thương lắm ngày xưa.
Kao Nguyên