Mùa xuân là Tết trồng cây
Từ mùa xuân năm 1960, tức là chỉ sau 4 năm hoà bình được lập lại trên miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động "Tết trồng cây". Người viết: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Kể từ đó tới nay, cứ mỗi độ xuân về, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng cho đến miền núi, cán bộ và nhân dân cả nước lại hưởng ứng Tết trồng cây theo lời kêu gọi của Người. Những diễn biến phức tạp của khí hậu, thời tiết và thiên tai bão lụt liên tiếp xảy ra những năm gần đây trên đất nước ta, nhất là vào năm 2017 vừa rồi quả là khủng khiếp. Hàng trăm người chết và mất tích, thiệt hại trên 60 ngàn tỷ đồng đã trải dài trên nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung cùng hạn hán, ngập mặn ở Nam Trung bộ, Nam bộ thì đúng là rất hy hữu trong khoảng trăm năm qua.
Về sâu xa, nó có nguyên nhân từ nạn phá rừng, làm suy giảm diện tích cây xanh, làm thuỷ điện chưa khoa học, khai thác tài nguyên trong lòng đất rồi xả thải thiếu trách nhiệm đã tàn phá môi trường sinh thái... Vì thế, việc bảo vệ và chăm sóc rừng luôn là nhiệm vụ quan trọng của chúng ta. Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người có dặn chúng ta một điều mà qua đó có ý nhắc nhớ về chuyện trồng cây gây rừng thông qua việc chọn nơi chôn cất Bác.
Năm 1998, một nhóm tình nguyện viên có tấm lòng yêu kính Bác đã bàn chuyện tìm một vị trí nào đó thật đẹp trên núi cao làm ngôi Đền để thờ Bác. Ban đầu họ tìm đến Tam Đảo, Vĩnh Phúc khảo sát, tính toán nhưng rồi cuối cùng quyết định chọn một vị trí lý tưởng hơn, ý nghĩa hơn.
Đó là đỉnh Tản Viên sơn, nơi có Đền thờ Đức thánh Tản, thuộc Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Tây cũ), cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km. Nơi đây có cảnh quan tuyệt đẹp và kỳ vĩ, có thể sau này trở thành một địa chỉ tâm linh kết hợp du lịch. Về kinh phí, Đền sẽ do những người hảo tâm có tấm lòng kính yêu Bác đi vận động cùng những người trong dòng tộc Bác đóng góp, tuyệt đối không xin kinh phí từ ngân sách. Dân tộc Việt có thói quen chọn ngày đẹp để xây dựng hoặc để làm những việc đại sự cho may mắn. Việc xây Đền thờ Bác trên đỉnh Ba Vì năm xưa cũng vậy.
Các anh em kỳ cựu trông coi Đền thờ Bác Hồ có lần đã kể cho tôi hay về chuyện chọn ngày khởi công xây Đền. Đầu năm 1999, nhóm tình nguyện viên lấy Lịch Vạn sự ra để tìm ngày đẹp động thổ công trình. Họ chọn ngày Hoàng đạo, 16 tháng Giêng Âm lịch và phấn đấu hoàn thành kịp ngày giỗ Bác (21/7 Âm lịch). Anh em trong nhóm và ban Quản lý Khu vườn quốc gia đã đến nhờ Bộ trưởng bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ lên động thổ. Bộ trưởng Ngọ nhận lời nhưng lại bận đột xuất nên giao cho Thứ trưởng Nguyễn Văn Đẳng thay ông hành lễ. Gần đến ngày 16 Âm lịch thì ông Đẳng báo là không thể dự và yêu cầu chuyển lên ngày 15 Âm. Gần sát ngày rằm, ông lại yêu cầu chuyển sang ngày 14 Âm (tức 1/3/1999 Dương lịch ). Khi giở sách xem lại thì thấy đây là ngày xấu nhưng do không còn cách nào khác nên mọi người vẫn theo kế hoạch động thổ.
Năm 2014, tôi có may mắn được một người giới thiệu và tìm gặp một cán bộ từng gắn bó nơi đây nhiều năm. Nói về ngày khởi công Đền thờ Bác, anh trầm ngâm kể cho tôi nghe câu chuyện Vua Càn Long bên Trung Hoa tương truyền là người hay cải trang vi hành. Vào một cái ngày rất xấu trong năm, thấy một gia đình nông dân động thổ làm nhà, Vua Càn Long vốn rất giỏi địa lý nên mới hỏi tại sao lại chọn ngày này.Người nông dân bảo đã mời thầy xem, thầy phán đây là ngày này tốt với ông ta. Thương người dân nọ, vua Càn Long tìm đến thầy địa lý hỏi xem giúp, xin ngày hôm nay để làm nhà, mục đích là để tìm ra bằng được nguyên cớ. Thầy bảo đây là ngày cực xấu, không thể được. Vua hỏi, tại sao ở xóm bên có người làm nhà hôm nay thì thầy lại nói là ngày tốt ? Thầy cười: Riêng cái nhà ấy thì lại xây được vì một ngàn năm mới có 1 ngày “tứ quỷ nhập trạch”. Nhưng với ông đấy lại là ngày "Đế vương trấn quỷ", hôm nay sẽ có đức vua qua nhà. Vua Càn Long nghe xong giật mình, im lặng đi luôn.
Tôi cũng từng nghe câu chuyện này, song không nhập tâm. Nay được nghe anh kể, tôi đoán ngay sẽ có chuyện kỳ bí gì ở đây chăng ? Hóa ra, đúng hôm động thổ Đền thờ Bác, đấy là ngày rất xấu, cũng là ngày ông Nguyễn Văn Đẳng tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương lên vườn Quốc gia Ba Vì phát động Tết trồng cây. Do vậy, ông đã chuyển sang cùng ngày để kết hợp lên Ba Vì là thế.
Điều mà Chủ tịch nước Trần Đức Lương chọn ngày 14 Âm lịch năm đó lên Ba Vì phát động Tết trồng cây có chi tiết thật lạ. Đó là vị trí này lại ở ngay đúng giữa ngọn núi Tản Viên (bình độ 400m), chỉ cách gần ngàn mét đường chim bay là tới nơi động thổ (đỉnh Tản Viên, bình độ 1.100 + 196 m). “Chính cái sự trùng hợp có Chủ tịch nước lên Tản Viên sơn cùng thời điểm ấy khiến mọi người cho rằng mảnh đất này đã được Đế vương trấn quỷ", anh cán bộ vui vẻ bật mí. Được biết, sau hơn 6 tháng thi công, tuyệt nhiên công trình không hề xảy ra một trục trặc hoặc tai nạn nào dù là nhỏ.
Quốc Phong