Ngày 11/10, theo báo cáo của Văn phòng Thường trực ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, đợt mưa lũ đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Qua thống kê ban đầu, đến 17h50 ngày 10/10, trên địa bàn Nghệ An đã có 5 người chết và 2 người mất tích.
Cụ thể, chị Hồ Thị Sáu (SN 1993) trú xóm Long Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, khi đi qua cầu tràn bị nước lũ cuốn trôi mất tích, chính quyền đang tìm kiếm nạn nhân; Em Lang Gia Huy (SN 2013), trú bản Pật, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp, bị trượt chân ngã xuống suối gần nhà trong lúc lũ dâng cao vẫn chưa được tìm thấy.
Em Ngũ Văn Quyền, trú xóm 17, xã Khánh Sơn 2, huyện Nam Đàn, theo bạn ra đồng bắt chuột thì bị nước cuốn, người dân cứu vớt nhưng nạn nhân đã tử vong; cháu Lê Thị Huyền (SN 2015), trú tại xóm 4, xã Lý Thành, huyện Yên Thành, bị trượt chân ngã xuống nước vùng ngập trong ngõ trước nhà, sau đó được người thân tìm thấy đã tử vong; chị Lê Thị Ngoan (SN 1996), trú xóm 9, xã Quỳnh Vinh, TX.Hoàng Mai, bị lũ cuốn trôi khi đang trên đường đưa cháu đi học, thi thể nạn nhân này được tìm thấy cách hiện trường bị lũ cuốn trôi khoảng 200m.
Hai trường hợp khác tử vong là ông Nguyễn Trung Hải (SN 1967), trú tại xã Quang Sơn, huyện Đô Lương trong lúc chèo thuyền đi đánh cá đã bị nước cuốn trôi; ông Nguyễn Ngọc Quế (SN 1958), trú xóm Mới, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tử vong trong lúc cầm đường dây điện hạ thế bị rơi xuống sân.
Ngoài ra, mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt xảy ra, khiến các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn phải di dời 111 hộ dân với khoảng 500 người.
Mưa lũ cũng khiến cho 584 hộ dân bị ngập nước, 1 ngôi nhà bị sập; hơn 3.600ha ngô và rau màu bị ngập; hơn 1.600 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 6 hồ đập bị ảnh hưởng, 20.223m kênh mương bị sạt lở; hơn 1.600ha ao hồ bị ngập, gần 500ha cá vụ 3 mất trắng...
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đề nghị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ từ tỉnh đến cơ sở, để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Ngoài ra, các địa phương triển khai phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngầm, tràn, tắc đường để cảnh báo cho nhân dân biết; huy động phương tiện, lực lượng trực gác để hướng dẫn giao thông, cảnh giới, cấm đường để đảm bảo an toàn.
Vận hành các công trình tiêu úng, trục tiêu, kênh tiêu, phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy lợi để vận hành tiêu úng kịp thời cho khu vực đô thị cũng như khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp; Kiểm tra tình hình sự cố hư hỏng các công trình đê điều, hồ đập và các thiệt hại khác do mưa lũ gây ra, để chủ động đối phó theo phương án được duyệt.
UBND tỉnh Nghệ An có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương triển khai khẩn trương công tác khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ; thăm hỏi gia đình có người bị chết; hỗ trợ nhà bị sập, để ổn định đời sống nhân dân và khôi phục sản xuất;…