Hiện nay, tình trạng tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Nghệ An hết sức phức tạp. Quan trọng hơn là việc xử lý tín dụng đen khó triệt để và hành lang pháp lý cũng chưa rõ ràng. Theo thống kê của Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, trên địa bàn tỉnh còn 559 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và hàng trăm cơ sở kinh doanh hỗ trợ tài chính.
Trong năm 2018, Công an tỉnh Nghệ An đã tập trung điều ra làm rõ 7 vụ tội phạm có liên quan đến tín dụng đen. Vụ điển hình đầu tiên là Công an TX.Thái Hòa phát hiện ổ nhóm gồm 30 đối tượng cho vay lãi nặng. Cơ quan chức năng đã bắt giữ khởi tố 6 đối tượng và đang mở rộng điều tra vụ án này.
Tiếp đó, các vụ vỡ nợ xảy ra ở huyện Yên Thành, Thanh Chương, TX.Cửa Lò và TP.Vinh với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Khi các hoạt động tín dụng đen này bị vỡ, kéo theo hàng trăm, hàng nghìn gia đình bị thiệt hại, gây nên những bất ổn về trật tự xã hội trên địa bàn.
Thời gian gần đây, hoạt động tín dụng đen có xu hướng lan về các làng quê như Yên Thành, Thanh Chương, Quỳnh Lưu,… Với mức lãi suất hấp dẫn, thủ tục đơn giản, các quy định hết sức lỏng lẻo nên nhiều người dân sẵn sàng mang tiền mặt, sổ đỏ để tham gia phường hụi. Khi xảy ra vỡ nợ, hàng trăm gia đình bỗng chốc trắng tay, gia đình ly tán.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết: “Không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ hỗ trợ tài chính đơn giản. Thực chất đây là một dạng dịch vụ tín dụng đen mà người dân dễ dàng bị mắc lừa. Hình thức cho vay của họ rất tinh vi, không cần thế chấp bất kỳ giấy tờ gì. Ví dụ: Nếu vay chúng 10 triệu đồng, thì họ cắt nợ ngay 2 triệu, thực chất chỉ được vay có 8 triệu đồng".
Thậm chí, xuất hiện tình trạng người dân có những lúc vay nợ từ 168% - 300%, trong khi đó theo quy định của luật Hình sự, vay lãi quá 5 lần ngân hàng thì khởi tố. Trong quá trình vay, chủ nợ không ghi bao nhiêu % nên cơ quan chức năng rất khó xử lý. Quá trình cho vay chúng dùng thủ đoạn tinh vi, chỉ đến khi người đi vay bị khủng bố, đe dọa tính mạng mới báo với cơ quan chức năng biết.
Nguyên nhân của tình trạng tín dụng đen được chỉ ra là do người dân không nhận thức được rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn của việc vay lãi suất. Việc cho vay chỉ là giao dịch dân sự nên cơ quan chức năng nói chung và lực lượng công an rất khó phòng ngừa, phát hiện và thường khi xảy ra tranh chấp mới nắm bắt được. Hiện tại, những quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng đen còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác đấu tranh với loại tội phạm này.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Đại tá Cầu đề nghị nhân dân cử tri hết sức cảnh giác hành vi dịch vụ hỗ trợ tài chính, đồng thời đề nghị hệ thống ngân hàng tạo điều kiện vay vốn cho người dân.