Tại phiên thảo luận tổ 3 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XVIII vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là công tác phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em.
Bạo lực học đường (BLHĐ) là một trong những vấn đề nóng, ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức, lối sống, nhân cách của học sinh, đến an ninh, an toàn trường học; một số trường hợp đã gây hậu quả nghiêm trọng làm cho xã hội bức xúc, tạo tâm lý bất an trong cha mẹ học sinh và toàn xã hội. Phòng chống BLHĐ được ngành GD&ĐT xem là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, phải tiến hành thường xuyên. Thời gian qua ngành GD&ĐT đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn vụ việc BLHĐ.
Mặc dù, sở, phòng GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng BLHĐ vẫn có xu hướng gia tăng theo nhiều hình thức khác nhau, diễn biến hết sức phức tạo, khó lường. Cụ thể, ngoài bạo lực về thể chất, hiện nay còn xuất hiện bạo lực về tinh thần, bắt nạt trực tuyến. Một số trường, lớp xảy ra tình trạng học sinh chia bè phái, cô lập bạn bè, lập tài khoản facebook giả để vu khống, nói xấu đe doạ, đánh hội đồng,…
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường, đuối nước cho trẻ em. Họ bày tỏ sự đau lòng về các trường hợp đuối nước, bạo lực học đường thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Cụ thể, đại biểu Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương) cho rằng, vấn đề đuối nước, phòng chống bạo lực học đường đang được các cử tri quan tâm. Theo ông Nhã, qua khảo sát của Ban Văn hoá -Xã hội HĐND tỉnh vừa qua tại một số trường học cho thấy, ngành Giáo dục - Đào tạo Nghệ An đã quan tâm giáo dục kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống đuối nước. Nhiều trường học đã nhiều trường học đã có cách làm sáng tạo trong kỹ năng sống, phòng chống đuối nước cho trẻ em. Nhưng trên thực tế hiệu quả chưa đạt như mong muốn.
Ông Nhã nhấn mạnh, hình thành kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường và đuối nước cho trẻ cần phải quan tâm đến ba mối quan hệ: Gia đình là nền tảng, nhà trường là then chốt và xã hội là xuyên suốt. Không thể khoán trắng cho nhà trường, tuy nhiên trong khuôn khổ của ngành Giáo dục - Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo đồng bộ các trường học giống như đề cương giáo dục kỹ năng sống để học sinh có khả năng tự phòng vệ trước tai nạn thương tích, đuối nước cũng như bạo lực học đường.
Đại biểu, Phan Thị Minh Lý (huyện Yên Thành) lại cho rằng, trẻ em là tương lai của đất nước và của mỗi gia đình; nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ em gồm ba “trụ cột”; giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và sức khoẻ thể chất, tinh thần. Tuy nhiên, trên thực tiễn chúng ta mới chỉ quan tâm đến giáo dục kiến thức, trong khi giáo dục kỹ năng sống và sức khoẻ chưa được quan tâm nhiều, bao gồm cơ sở vật chất trong các nhà trường, khu dân cư và nhân lực thực hiện nhiệm vụ này. Đại biểu Lý kiến nghị, tỉnh Nghệ An cần nghiên cứu giải pháp để giải quyết từng bước các vấn đề đặt ra trong thực tiễn; đồng thời tăng cường phối hợp hiệu quả hơn giữa các sở, ngành và các tổ chức trong hệ thống chính trị liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Trong chương trình Kỳ họp, thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng chống đuối nước trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là một trong 2 nội dung được HĐND tỉnh Nghệ An đưa ra chất vấn. Người trả lời chất vấn là Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội. Phiên chất vẫn sẽ diễn ra vào chiều 6/7.