Trong tháng 10/2017, báo điện tử Người Đưa Tin đã có rất nhiều bài viết phản ánh, ngày 10/10, Thanh tra sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An đã bắt quả tang 2 doanh nghiệp: Thanh Ngũ (ở xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) và Kiên Lục (ở xóm 8, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu) làm giả xăng A92.
Qua đấu tranh, chủ 2 doanh nghiệp trên khai, từ tháng 8/2017 đến nay đã mua hàng trăm ngàn lít chất dung môi từ Cần Thơ để pha với xăng A92 thành xăng kém chất lượng. Sau đó đã xuất bán cho 10 đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An hơn 2 triệu lít xăng A92 giả.
Để có căn cứ xử lý các doanh nghiệp chế biến xăng giả, ngay ngày 10/10, thanh tra sở KH&CN tỉnh Nghệ An đã gửi mẫu đến trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (ở số 2 Ngô Quyền, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) để thử nghiệm.
Kết quả kinh hoàng là tất cả các mẫu đều cho thấy % xăng A92 nguyên chất rất thấp, trong đó có những mẫu xăng A92 chưa đến 50%. Cụ thể, đơn vị gửi đi 12 mẫu của 7 doanh nghiệp thì có đến 11 mẫu vi phạm về trị số ốc tan.
Điều đáng nói, dù đã phát hiện và bắt quả tang nhưng cơ quan chức năng cũng chỉ lấy mẫu và chờ kết luận thử nghiệm cuối cùng thì mới xử lý (rút giấy phép, xử phạt hành chính…) được các doanh nghiệp. Nghĩa là trong khoảng thời gian này, các điểm bán xăng dầu của những doanh nghiệp trên vẫn kinh doanh bình thường.
Cụ thể, ngày 10/10, Thanh tra sở KH&CN tỉnh Nghệ An đã lấy 12 mẫu gửi đi thử nghiệm thì tại thời điểm đó tại các bể của 7 doanh nghiệp trên có hơn 40.000 lít xăng kém chất lượng.
Vậy nhưng đến ngày 18/10, trung tâm trên mới có kết quả xăng A92 giả đến mức báo động. Tuy nhiên ai dám chắc là trong thời gian 10 ngày chờ “tuyên án”, các cây xăng dầu trên (vì không bị dừng hoạt động) đã bán hoặc tẩu tán xăng giả sang địa bàn khác.
Điều này Chánh thanh tra sở KH&CN tỉnh Nghệ An Nguyễn Mạnh Hà thừa nhận: “Chắc chắn trong lúc chờ kết quả thử nghiệm thì vẫn có thể có xăng giả bị tẩu tán”. Bởi theo ông Hà, dựa vào quy định thì sau khi có kết quả thử nghiệm, cơ quan chức năng mới được xử lý hay thu xăng giả của các đơn vị vi phạm.
“Cho nên trong khi chờ phiếu kết quả thử nghiệm thì các cơ sở kinh doanh xăng bẩn vẫn hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc sau thanh tra một thời gian dài, xăng giả vẫn được bán ra thị trường”, ông Hà cho biết thêm.
Trả lời câu hỏi tại sao các cơ quan chức năng không có biện pháp để ngăn chặn, Chánh thanh tra sở KH&CN tỉnh Nghệ An lý giải: “Theo quy định về kiểm tra chất lượng thì cơ quan chức năng chỉ được xử lý khi có kết quả thử nghiệm mẫu. Trong khi đó tại Nghệ An chưa phòng thử nghiệm nên chúng tôi đã phải gửi mẫu đến 1/6 phòng thử nghiệm trên địa bàn toàn quốc để giám định (phòng này được bộ KH&CN chỉ định). Thời gian lấy mẫu đến khi có kết quả cũng rất lâu nên khoảng thời gian này xăng giả vẫn có thể bị bán ra thị trường. Đây là hạn chế hay nói cách khác là lỗ hổng trong công tác quản lý chất lượng xăng dầu mà xăng giả vẫn “sống” được sau khi có kết quả thanh tra”.
Vậy nguyên nhân gì mà Nghệ An không đầu tư phòng thí nghiệm, ông Nguyễn Mạnh Hà trả lời: “Nếu Nghệ An có phòng thí nghiệm thì từ khi gửi mẫu đến khi có kết quả cũng chỉ mất 1 đến 2 ngày thì rất khó để xăng giả tung hoành. Nhưng để đầu tư một phòng thí nghiệm thì dây chuyền máy móc lại tốn rất nhiều tỷ đồng”.
Trọng Đức