Ông Lô Văn Thái (64 tuổi, trú xóm 7, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) mới đầu tư trồng 200 gốc mét nhưng đã bị châu chấu tàn phá, không những vậy vườn mét lâu năm hơn 1ha của ông cũng bị châu chấu ăn trụi lá.
“Hầu như năm nào cũng có châu chấu đến ăn cây tre mét, nhưng năm nay số lượng đàn lớn, tàn phá nghiêm trọng hơn nhiều. Châu chấu ăn mọi thứ từ lá, cành đến búp măng sắp thu hoạch”, ông Thái rầu rĩ nói.
Xã Nghĩa Bình là vùng trồng cây tre mét lớn nhất của huyện Tân Kỳ, với diện tích hơn 200ha. Nhờ thu hoạch măng non và bán cây, mỗi ha tre mét cho thu nhập trung bình từ 20-50 triệu đồng/năm, giúp bà con địa phương xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, nạn châu chấu bùng phát mạnh tại xã Nghĩa Bình đã khiến nhiều diện tích trồng mét bị thiệt hại. Không chỉ ăn trụi hết lá mét, châu chấu còn tràn xuống các vườn ngô, cỏ sữa,… gần nhà của người dân.
Theo thông tin từ chính quyền xã Nghĩa Bình thì đầu tháng 4/2023, đã tổ chức cho người dân phun thuốc phòng trừ châu chấu non. Đợt châu chấu tàn phá tháng 5 này di cư từ các rừng cây tự nhiên, rừng giang nứa tràn về. Trước tình trạng này, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp dùng flycam phun thuốc diệt trừ châu chấu với diện tích 45ha mét và các vùng cây trồng khác.
Ông Lê Viết Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ cho biết tình trạng châu chấu tàn phá tre mét đã diễn ra vài năm gần đây trên địa bàn. Châu chấu sinh trưởng vào mùa nắng nóng, ấu trùng dưới đất hàng năm lại sinh sôi. Năm nay có sự phát triển đột biến do nắng nhiều.
“Chúng tôi đã chỉ đạo phun hóa chất diệt châu chấu, tuy nhiên hiệu quả chỉ khoảng 60-70% do một số bay đi nơi khác. Hiện châu chấu đã tàn phá khoảng 50-60 ha tre, mét của người dân xã Nghĩa Bình”, ông Lê Viết Quý nói.
Ông Nguyễn Văn Trình, Phó giám đốc dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết, hiện đơn vị cũng đang phối hợp với UBND xã Nghĩa Bình và chủ rừng, tổ chức phun thuốc bảo vệ thực vật diệt trừ châu chấu, bằng cách sử dụng máy phun động cơ gắn trên thiết bị bay (flycam) để phun trên những diện tích châu chấu đang gây hại.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch phun bao vây, phun chặn và dự kiến khoảng 3 – 4 ngày sẽ khoanh vùng được, hạn chế lây lan nạn châu chấu sang khu vực tre, mét chưa bị tàn phá”, ông Trình nói.