Ngày 11/7, Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hoá trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh xoay quanh công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phòng, chống, xử lý hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và quy hoạch, kinh doanh, quản lý chợ. Đây là những vấn đề liên quan trực tiếp, hàng ngày đến sức khỏe, đời sống dân sinh.
Nhiều đại biểu cho rằng nội dung chất vấn về lĩnh vực quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm rất thiết thực đối với đời sống của nhân dân hiện nay, vì người tiêu dùng đang sống chung với rất nhiều hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bẩn tràn lan.
Đại biểu Trần Thị Khánh Linh (tổ đại biểu Tp.Vinh) mang vào hội trường một số gói bánh, kẹo có màu sắc bắt mắt, nhãn mác và thông tin trên bao bì được thể hiện bằng chữ nước ngoài. Theo đại biểu Linh, các gói kẹo này được mua ở trước cổng trường học với giá 16.000 đồng. Những thực phẩm không rõ nguồn gốc này ngoài bán ở trường học chúng còn được công khai bán ở hàng rong, các cửa hàng cố định. Đây là vấn đề đáng lo ngại. Đại biểu Linh đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An về giải pháp quản lý chặt chẽ đội ngũ bán hàng, kiểm tra, quản lý chất lượng đối với các mặt hàng này để bảo vệ sức khỏe người dân, học sinh.
Trả lời vấn đề đại biểu Trần Thị Khánh Linh nêu, ông Phạm Văn Hoá cho biết, việc quản lý bán hàng rong trước cổng trường là trách nhiệm của đội ngũ quản lý đô thị, bán hàng rong trước cổng trường, bệnh viện,… là trách nhiệm của địa phương. Sở Công thương hay lực lượng quản lý thị trường và công an không thể túc trực để kiểm tra hay quản lý.
Giám đốc Sở Công thương thừa nhận có tình trạng thực phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc được bán ở trường học. Phía lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra nhưng chỉ kiểm soát ở mức độ nào đó.
Giải pháp quan trọng nhất là vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, đội quản lý thị trường, chính quyền địa phương,… cần tăng cường phối hợp kiểm tra thường xuyên.
"Tuy nhiên, đây là cuộc đấu tranh 2 mặt giữa cái tốt – cái xấu, hàng thật – hàng giả. Người tiêu dùng có vai trò quan trọng chứ không phải hoàn toàn dựa vào lực lượng chức năng. Đề nghị địa phương tuyên truyền, vận động, giáo dục học sinh và cả phụ huynh không tham gia vào thị trường này. Không có người mua thì không có người bán", ông Hoá nhấn mạnh.
Giai đoạn 2021 - 2023, các lực lượng chức năng và các ngành liên quan đã tổ chức kiểm tra, xử phạt hành chính 20.591 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, khởi tố hình sự 1.050 vụ, tổng giá trị thu phạt hơn 805,731 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2024, tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính 4.233 vụ, khởi tố hình sự 896/1163 vụ, tổng giá trị thu phạt 115,706 tỷ đồng.
Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An, cũng đồng tình hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ rất dễ bán, dễ mua, giá trị không lớn, chẳng hạn như bánh kẹo trước cổng trường cũng chỉ từ 5.000-10.000 đồng/cái. Thói quen của người tiêu dùng là một trong những trở ngại lớn trong công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái. Trong khi đó chế tài xử lý việc này chủ yếu là thu hồi và xử phạt hành chính, xong đâu lại vào đấy. Do đó cần sự vào cuộc của các cấp để hạn chế việc này.