Thiệt hại hàng chục tỷ đồng do mưa lũ
Ngày 13/9, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, chính quyền địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời cùng người dân khắc phục hậu quả.
Hiện tại thời tiết ở Kỳ Sơn đã tạnh ráo. Tuy nhiên, mưa lớn những ngày qua gây ra sạt lở, đứt gãy các tuyến đường giao thông huyết mạch. Tối 11/9, tại xã Mỹ Lý tiếp tục có mưa to, gây sạt lở 4 vị trí trên tuyến Quốc lộ 16. Ngoài ra, hàng trăm m3 đất đá từ trên đồi cũng sạt lở, tràn vào nhiều nhà dân tại bản Hoa Lý.
Theo báo cáo sơ bộ của UBND huyện Kỳ Sơn, tính đến chiều 12/9, mưa lũ đã làm 8 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn; 17 ngôi nhà bị hư hỏng nặng; 49 ngôi nhà bị thiệt hại một phần và 34 nhà có nguy cơ sạt lở cao phải di dời khẩn cấp. Ước tỉnh thiệt hại về nhà ở là hơn 4,8 tỷ đồng.
Mưa lũ còn làm sạt lở đất, đá ở hàng chục vị trí trên các tuyến đường giao thông với tổng khối lượng đất, đá sạt trượt toàn tuyến ước tính trên 26.000 m3. Một số tuyến giao thông bị sạt lở nặng như: Tuyến từ bản Khe Nằn (xã Chiêu Lưu) đi xã Na Ngoi sạt lở 6 đoạn taluy, trong đó có 2 điểm sạt lở nặng. Hiện tại các phương tiện không thể lưu thông trên tuyến đường này.
Trên tuyến Quốc lộ 7A thuộc địa phận huyện Kỳ Sơn có 107 điểm lớn bị sạt lở ta luy với tổng khối lượng đất đá sạt lở trên 10.000m3. Hiện địa phương đang huy động máy múc triển khai khắc phục, tuyến Quốc lộ 7A đi qua huyện Kỳ Sơn đã được thông suốt.
Ngoài ra, hơn 3.000 người dân ở 5 bản thuộc xã Chiêu Lưu (Xiêng Thù, Lưu Hòa, La Ngan, Tạ Thong, Lưu Thắng) vẫn đang bị cô lập.
Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống, trước mắt, UBND huyện Kỳ Sơn xuất kho hỗ trợ 3,7 tấn gạo, 741 thùng mỳ tôm, 741 chai nước mắm, gần 1000 gói bột canh… chia thành 721 suất quà cho các hộ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, huyện Kỳ Sơn cũng chỉ đạo các xã huy động lực lượng dân quân, đoàn thanh niên thực hiện phương châm 4 tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, đồng thời thông các tuyến giao thông.
Ngoài ra, địa phương này đang lập kế hoạch đề xuất hỗ trợ lương thực cứu đói kịp thời cho nhân dân, nhất là những xã bị mất trắng về diện tích lúa. Đồng thời, tham mưu đề xuất các cấp xuất kinh phí hỗ trợ đột xuất từ nguồn ngân sách dự phòng và các nguồn hợp pháp khác.
Vết nứt lớn xuất hiện sau mưa lũ đe dọa người dân
Theo báo cáo của chính quyền xã Bảo Nam, tại bản Nam Tiến 2 xuất hiện một vết nứt lớn kéo dài khoảng 700m, chiều rộng lớn nhất 25cm, nơi sâu nhất khoảng 1m chạy dọc theo bản làm ảnh hưởng trực tiếp đến 52 hộ dân.
Theo ông Cụt Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Nam, vết nứt bất thường này mới xuất hiện sáng 10/9. “Vết nứt chạy qua nhiều ngôi nhà trong bản, ở một số vị trí vết nứt chạy dưới nền nhà khiến nhiều người dân trong bản hết sức lo sợ”, ông Thắng nói.
Bản Nam Tiến 2 hiện có 56 hộ dân với 380 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Dân bản ở đây chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, lao động tự do và đan lát, tỷ lệ hộ nghèo cao 69,6% (39 hộ).
Thống kê sơ bộ, trong trận mưa lũ vừa qua, Bảo Nam là xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất huyện Kỳ Sơn với 26 hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa. Trong đó, có 4 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 15 nhà bị thiệt hại nặng, 9 nhà dân bị thiệt hại một phần.
Ngoài ra, hàng chục ngôi nhà có nguy cơ sạt lở cao phải di dời khẩn cấp; gần 100 ao cá của các hộ dân cùng hàng chục con gia súc bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Các tuyến đường liên xã, liên bản bị ảnh hưởng nặng nề vì sạt lở, với khối lượng hàng nghìn m3 đất đá.
Ngoài ra, trên Quốc lộ 7A đoạn qua bản Hòm, xã Hữu Kiệm đã xuất hiện một vết nứt nẻ khá to chạy ngang mặt đường. Vị trí điểm nứt một bên là sông sâu, một bên là núi cao.
Theo Phó Chủ tịch huyện Kỳ Sơn, ngay sau khi xuất hiện vết nứt địa phương đã báo cáo với UBND tỉnh và ngành giao thông; đồng thời cắt cử lực lượng túc trực tại hiện trường để hướng dẫn người dân tránh đi vào vị trí mất an toàn.
Hiện, đơn vị quản lý tuyến đường đang huy động máy móc, nhân công để khắc phục hư hỏng; đồng thời đặt hệ thống biển báo đảm bảo giao thông, phân làn, hướng dẫn cho người và phương tiện lưu thông an toàn.