Khởi kiện vì oan ức
Hồ sơ vụ án hành chính này thể hiện, do làm ăn thua lỗ, nợ tiền ngân hàng và nợ cổ phần của xã viên nên năm 1991, Ban thanh lí tài sản của HTX mua bán phường Lê Lợi đã xin chủ trương của UBND TP Vinh (Nghệ An) chuyển nhượng nhà làm việc và thửa đất 998,2m2 cho ông Lê Văn Hồng với giá 26 triệu đồng. Sau khi tiếp quản, ông Hồng thuê đổ hàng trăm xe đất tôn tạo lại mặt bằng để vừa ở vừa kinh doanh hàng ăn uống. Nội dung “nhượng bán nhà ở tại chỗ” này giữa HTX mua bán Lê Lợi và ông Hồng có đầy đủ thủ tục giấy tờ và chữ kí của hai bên về việc mua bán nhà, tài sản (giếng nước, công trình phụ) gắn liền trên đất với sơ đồ có mốc giới, chỉ giới theo đúng quy định của pháp luật.
Năm 2015 (sau 24 năm), UBND TP Vinh có Quyết định số 1821/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của gia đình ông Hồng để giao cho chủ đầu tư dự án “Xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp” (BMC - Vinh - Plaza) tại ngã tư đường vào ga Vinh thuộc khối 1, phường Quán Bàu. Tiếp theo quyết định này là Quyết định 1822/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với hộ ông Lê Văn Hồng để thực hiện dự án BMC – Vinh - Plaza”. Trong quyết định thứ hai này, UBND TP Vinh phê duyệt giá trị bồi thường và hỗ trợ đất của ông Hồng đang chủ sở hữu là dạng đất kinh doanh, không phải đất ở.
Vì thế, trong đơn khởi kiện vụ án hành chính gửi TAND TP Vinh, ông Hồng yêu cầu hủy bỏ những nội dung trái quy định trong Luật đất đai năm 2013 của hai quyết định nêu trên. Cụ thể, ông Hồng dẫn điều 62 và 63 trong bộ luật này để chứng minh việc thu hồi đất của UBND TP Vinh là trái thẩm quyền, trái luật. Bởi, các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mới được phép thu hồi đất ở của dân. Trong khi đó, dự án BMC – Vinh - Plaza thực chất là một dự án thương mại, xây dựng chung cư và phân lô bán nền vì lợi ích cá nhân của chủ đầu tư nên không thể vô cớ thu hồi đất ở của dân để cấp cho dự án. Các giấy tờ hợp pháp về khu đất gia đình ông Hồng đang sinh sống chỉ ra rằng, đây là đất ở, không phải đất kinh doanh. Vì thế, quyết định bồi thường theo giá đất kinh doanh của UBND TP Vinh cũng trái quy định của pháp luật.
Phiên tòa kéo dài hai ngày và quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn Hồng. Về căn cứ pháp lí thu hồi đất, bản án xác định dự án BMC – Vinh - Plaza không thuộc các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh hoặc để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, dự án này không nằm trong danh mục các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần thu hồi theo quy định tại Khoản 3, Điều 62, Luật đất đai năm 2013. Căn cứ pháp lí này cho thấy UBND TP Vinh không có căn cứ thu hồi đất của ông Hồng. Ngoài ra, bản án còn xác định đất của ông Lê Văn Hồng đang sử dụng là đất có giấy tờ về đất sau khi đối chiếu hồ sơ, giấy tờ chuyển nhượng và tài sản gắn liền trên đất giữa ông Hồng và ban thanh lí HTX Lê Lợi thiết lập với nhau. Theo quy định của Luật đất đai năm 2013, cần xác định đất của ông Hồng đang sử dụng là đất phi nông nghiệp thuộc loại đất ở tại đô thị được quy định tại điều 144 luật đất đai. Vì thế, tòa tuyên hủy hai quyết định số 1821 và 2822/QĐ-UBND”.
Theo đó, năm 2016 UBND TP Vinh ra Quyết định số 6379/QĐ-UBND hủy bỏ Quyết định 1821/QĐ-UBND của UBND TP Vinh về việc thu hồi đất của hộ ông Lê Văn Hồng; Quyết định số 6380/QĐ-UBND về việc hủy bỏ Quyết định số 1822/QĐ-UBND của UBND TP Vinh về việc phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với hộ ông Lê Văn Hồng.
Vừa hủy quyết định lại ra thông báo thu hồi đất
Phiên tòa kết thúc ngày 29/6/2016, ông Hồng chưa kịp thở phào thì ngày 4/8/2016 HĐND tỉnh Nghệ An ra nghị quyết thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 62, Luật đất đai trên địa bàn Nghệ An, trong đó có khu đất của ông Hồng đang sử dụng. Căn cứ vào nghị quyết này, ngày 14/12/2016 UBND TP Vinh lại ra thông báo “Thu hồi đất để thực hiện dự án BMC – Vinh - Plaza”.
Ngay sau khi nhận được thông báo này, ông Hồng lại viết đơn khiếu nại gửi HĐND tỉnh Nghệ An và Thành ủy, UBND TP Vinh. Nội dung lá đơn khiếu nại phản ánh đầy đủ những căn cứ pháp lí của khu đất được quy định trong Luật đất đai năm 2013. Cụ thể, đất đang sử dụng của ông Hồng là đất có giấy tờ về đất, không thuộc dạng đất kinh doanh và đặc biệt là đất không thuộc diện Nhà nước phải thu hồi để bổ sung cho dự án kinh doanh BMC – Vinh - Plaza như bản án đã công bố. Ông Hồng còn khẳng định, sau phiên xét xử của TAND TP Vinh, UBND không kháng án. Động thái này đồng nghĩa với việc UBND TP Vinh chấp nhận những căn cứ pháp lí được Luật đất đai năm 2013 quy định như tính pháp lí của bản án đã có hiệu lực.
Ngay sau khi nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành, rất nhiều người tỏ ra bất bình. Luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty Luật Everest, đoàn Luật sư Hà Nội bày tỏ quan điểm: Phán quyết của TAND TP Vinh trong Bản án số 02/2016 là có căn cứ pháp luật và đã có hiệu lực. Do đó, mọi cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó; mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân phải tôn trọng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Thứ hai, thẩm quyền của HĐND tỉnh Nghệ An trong việc phê duyệt dự án cần thu hồi đất đối với dự án “Trung tâm thương mại văn phòng BMC - Vinh – Plaza”. HĐND tỉnh Nghệ An chỉ có thẩm quyền phê duyệt đối với những dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai. Thế nhưng, trong trường hợp này, HĐND tỉnh Nghệ An đã ra Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND do ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh ký thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai. Trong khi, dự án này có thực sự là được xây dựng vì lợi ích của cộng đồng hay không?
Hơn nữa, xâu chuỗi toàn bộ quá trình thu hồi đất đối với diện tích đất của gia đình ông Lê Văn Hồng, cho thấy, đã có sự móc nối giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vì mục đích không chính đáng.
Trên những cơ sở đó, một lần nữa ông Lê Văn Hồng khẳng định, mình là một công dân tôn trọng luật pháp của Nhà nước và mong muốn các cơ quan chức năng kiểm tra, chỉ đạo nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân.
Sẽ rà soát lại hồ sơ, giấy tờ Trong cuộc giao ban báo chí đầu năm 2017 do Ban Tuyên giáo và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An tổ chức, sau khi nghe một số phóng viên phản ánh nội dung vụ án hành chính nêu trên và đơn khiếu nại của ông Lê Văn Hồng, ông Hồ Phúc Hợp, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy, chủ trì hội nghị kết luận: Trước phản ảnh của dư luận báo chí, Ban Tuyên giáo đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ việc để có một quyết định đúng đắn nhất nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc đã kéo dài trong nhiều năm. |
Vũ Toàn - Lê Giáp