HIV/AIDS là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống. Xác định mức độ nghiêm trọng, tỉnh Nghệ An đã có nhiều nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 11/2020 Nghệ An có 21/21 huyện, thị, thành có người nhiễm HIV; 10.094 người nhiễm HIV được báo cáo, trong đó số người chết do AIDS là 4.245 người. Số người nhiễm HIV còn sống là 5.849 người. Tổng số bệnh nhân đang được điều trị thuốc ARV là 4.693 bệnh nhân.
Đến nay, Nghệ An đã đạt chỉ tiêu trên 87% số người nhiễm biết được tình trạng của mình; 80,2% số người nhiễm đang được điều trị bằng thuốc ARV. Công tác điều trị đã được triển khai ở 21/21 huyện, thành, thị với 25 cơ sở chăm sóc và điều trị. Các hoạt động cấp phát thuốc tại xã phường, lưu động về tư vấn, xét nghiệm, cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su...đã được triển khai đồng bộ và đã tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các chỉ tiêu 90-90-90.
Báo cáo cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm vợ, chồng, bạn tình của người nhiễm HIV có xu hướng gia tăng; năm 2010 là 13,36% tới năm 2015 là 19,3% và năm 2020 tỷ lệ này là 22,79%. Tỷ lệ người nhiễm HIV tập trung ở nhóm nam giới với 78,59% và nữ giới chiếm 21,41%. Người nhiễm HIV chủ yếu trong độ tuổi từ 20-39 tuổi, chiếm 85,9% tổng số người nhiễm của cả tỉnh.
Một trong những giải pháp tích cực, hiệu quả được các cấp, ban, ngành chú trọng thực hiện thời gian qua là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo đó, hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên được chú trọng đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức, bảo đảm tính thiết thực và phù hợp với từng đối tượng. Giai đoạn 2015 - 2020, các cơ quan truyền thông đã phát sóng 1.025 lượt trên đài truyền hình tỉnh/huyện, đài phát thanh xã/phường/thị trấn quảng bá về các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị Methadone, điều trị ARV, BHYT và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan tới HIV/AIDS.
Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Nghệ An có xu hướng giảm nhưng vẫn chưa đảm bảo tính bền vững, đang diễn biến phức tạp và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát. Sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn lớn, do đó những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sợ bị kỳ thị, không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm không muốn bộc lộ bị nhiễm HIV để đến cơ sở y tế để được điều trị ARV sớm. Trong khi đó nhân lực phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên thay đổi, trang thiết bị kỹ thuật hạn chế... cũng đang là trở ngại đối với công tác phòng chống căn bệnh thế kỷ này tại Nghệ An.
Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc sở Y tế Nghệ An cho biết, để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả như mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và mọi người dân. Các cấp, ngành cần đưa ra những giải pháp vừa có tính cấp bách vừa có tính lâu dài; quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai nhiệm vụ này đến tận các cơ sở và người dân...
Mọi người cần tích cực tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS; thường xuyên thăm hỏi động viên, chăm sóc những người không may bị nhiễm, giới thiệu đến cơ sở điều trị để họ được điều trị thuốc kháng vi rút ARV; khuyến khích họ tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, cai nghiện, giúp họ có trách nhiệm của mình trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV ra cộng đồng.
Minh Tâm