Vốn nước ngoài chưa giải ngân
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã ký công điện yêu cầu người đứng đầu sở, ban, ngành, địa phương, ban quản lý dự án và chủ đầu tư của địa phương này đề cao trách nhiệm, tập trung triển khai quyết liệt hơn nữa, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Tính đến ngày 31/3/2024, kế hoạch đầu tư công tập trung tại tỉnh Nghệ An đã giải ngân 708,362 tỷ đồng, đạt 15,3%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (7,01%). Bên cạnh một số cơ quan, đơn vị đã giải ngân đạt khá thì vẫn còn một số nguồn vốn giải ngân còn chậm như: vốn nước ngoài chưa giải ngân; ngân sách Trung ương - vốn trong nước mới đạt 8,39%; Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững mới đạt 5,21%; Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới đạt 8,91%; vốn các năm trước kéo dài mới đạt 5,81%.
Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp như: Sở Kế hoạch và Đầu tư (0,49%); Trường Chính trị tỉnh Nghệ An (1,8%); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (3,19%); Sở Y tế (3,43%),…
Đặc biệt, vẫn còn 21 cơ quan, đơn vị chưa giải ngân (0%) như: Bệnh viện Sản nhi Nghệ An (kế hoạch giao 50 tỷ đồng), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (38,5 tỷ đồng), Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An (37,097 tỷ đồng), Công an tỉnh (33,9 tỷ đồng),…
Ngay từ đầu năm, sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nguồn đầu tư công với tổng kế hoạch giao năm 2024 là 9.076,67 tỷ đồng, trong đó đưa vào đầu tư công tập trung phần tỉnh quản lý là 4.628,57 tỷ đồng, đến nay tỉnh đã hoàn thành giao chi tiết 100% kế hoạch vốn cho các dự án để triển khai thực hiện.
Phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2024 đạt trên 95%
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, tại công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, chủ đầu tư quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định giải ngân đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần phải tập trung ưu tiên tổ chức thực hiện. Chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã; các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư cần tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để quyết liệt đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án trọng điểm, liên vùng, đường ven biển...
Đặc biệt, việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải gắn với bảo đảm khối lượng, chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư lập kế hoạch, cam kết giải ngân chi tiết từng dự án theo từng tháng, gồm: dự án thuộc kế hoạch năm 2024 và kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024 và tuân thủ nghiêm kế hoạch, cam kết giải ngân. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên...
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án.
Xem kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024 của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tập thể, cá nhân liên quan.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương và yêu cầu nghiêm túc triển khai công điện với tinh thần phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2024 đạt trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.