Nghệ An: Khó khăn bủa vây, hơn 1.700 doanh nghiệp “dừng cuộc chơi”

Nghệ An: Khó khăn bủa vây, hơn 1.700 doanh nghiệp “dừng cuộc chơi”

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 5, 05/12/2024 21:13

Năm 2024, toàn tỉnh Nghệ An có 302 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, tăng 35,29%; 1.483 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 8,6% so với năm 2023.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Đến thời điểm hiện tại của năm 2024, tỉnh Nghệ An có hơn 39.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nhưng số doanh nghiệp hoạt động chính thức chỉ trên 16.000 doanh nghiệp.

Điều đáng nói, số doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động trong năm 2024 là 1.785 đơn vị; trong đó có 302 doanh nghiệp giải thể và 1.483 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 8,6% so với năm 2023.

Trong khi đó, chỉ có 715 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, giảm 19,4% so với cùng kỳ.

Nghệ An: Khó khăn bủa vây, hơn 1.700 doanh nghiệp “dừng cuộc chơi”- Ảnh 1.

Năm 2024, chỉ có 715 doanh nghiệp ở Nghệ An đăng ký hoạt động trở lại, giảm 19,4% so với cùng kỳ.

Bà Phan Thị Hoan, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An nêu vấn đề, hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, cơ cấu nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo tính bền vững. Trong tổng thu 23.751 tỷ đồng năm 2024; tỉ trọng thu từ cấp quyền sử dụng đất chiếm 39,4% và thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ chiếm 32,5%/tổng thu ngân sách.

Nghệ An: Khó khăn bủa vây, hơn 1.700 doanh nghiệp “dừng cuộc chơi”- Ảnh 2.

Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Sein Together Vinh Vina (xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) ngưng việc do chậm lương vào ngày 23/2/2024.

Từ các vấn đề thực tiễn, bà Phan Thị Hoan kiến nghị HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh Nghệ An tập trung nghiên cứu, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Điều này nhằm tăng tỉ trọng nguồn thu sản xuất, kinh doanh và đảm bảo thu ngân sách bền vững; giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Về việc này, các đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại Tp. Vinh, Tx.Hoàng Mai, huyện Đô Lương và huyện Hưng Nguyên cũng đã quan tâm đặt ra nhiều vấn đề, đề nghị HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Cải thiện môi trường kinh doanh để tháo vướng mắc cho doanh nghiệp

Ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 11 tháng năm 2024 tăng là do tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm thị trường.

"Qua khảo sát, đa số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động là các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả hoạt động thấp trong nhiều năm và đang trong quá trình cơ cấu lại", Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết.

Nghệ An: Khó khăn bủa vây, hơn 1.700 doanh nghiệp “dừng cuộc chơi”- Ảnh 3.

Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII.

Ông Quang cho hay, với quan điểm doanh nghiệp phát triển thì tỉnh mới phát triển, thời gian qua UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tập trung quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Vì vậy, về giải pháp, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện UBND tỉnh đã có chỉ đạo sau hội nghị tăng cường giải pháp cải thiện Chỉ số CPI, trong đó giao nhiệm vụ cho từng ngành, từng địa phương cụ thể để triển khai nhiệm vụ này.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đang tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tập trung tháo gỡ kịp thời, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, rà soát và tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính và thời gian xử lý công việc của doanh nghiệp, cũng như tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Giám đốc Sở KH&ĐT, hỗ trợ của chính quyền là một phần, cái chính là doanh nghiệp có nhiều chuyển đổi phù hợp với tình hình của địa phương và thích ứng với điều kiện hội nhập mới.

Phát biểu về việc này, ông Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nhìn nhận các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh thời gian qua chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Trong khi đó, năng lực tài chính, năng lực tổ chức thực hiện, ngành nghề lựa chọn cũng không phải là ngành nghề phát triển bền vững, điều này dẫn đến hoạt động không hiệu quả.

"Giải pháp cần nhất lúc này là làm sao thúc đẩy được liên kết giữa doanh nghiệp nội tỉnh và các doanh nghiệp FDI đang đầu tư vào Nghệ An. UBND tỉnh sẽ có các giải pháp để triển khai trong thời gian tới", ông Trung nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.