Infonet đưa tin, trưa 12/4, ông Trương Công Thuyên, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Long (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cho biết người dân địa phương phát hiện 2 xác lợn chết vứt bỏ ở Khe Cái (đoạn giáp ranh với xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn) nên đã báo tin cho chính quyền để xử lý.
Theo ghi nhận, 2 xác lợn đang bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đầy, ước tính mỗi con nặng hơn 1 tạ.
Cũng trên khu vực khe nước này (đoạn cầu xóm Nam Hòa, xã Nghĩa Long giáp xóm Tân Xuân, xã Nghĩa Lộc) có nhiều bao tải ruồi nhặng bu kín, bốc mùi hôi thối, nghi là xác lợn chết.
“Lực lượng chức năng địa phương đã tiến hành kiểm tra, vớt xác lợn lên để khử trùng, tiêu hủy theo quy định, đồng thời phối hợp với UBND xã Nghĩa Lộc tuyên truyền người dân không nên vứt bừa bãi xác lợn để phòng dịch và bảo vệ môi trường”, ông Thuyên cho hay.
Vào đầu tháng 4/2021, trên địa bàn các xã Thanh Yên, Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cũng xuất hiện nhiều xác lợn chết nổi lềnh bềnh trên sông, bốc mùi hôi thối và gây ô nhiễm môi trường.
Theo tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống, sáng 5/4, người dân địa phương tại bến đò Phuống, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An phát hiện có nhiều xác lợn chết vứt dưới chân cầu. Trong đó có 1 con lợn khoảng 70kg đang trong quá trình phân hủy, 1 con lợn con và 1 bao tải lợn (không rõ số lượng lợn bên trong) nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bốc mùi hôi thối.
Theo báo Tuổi trẻ, trước nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi, mới đây, chính quyền xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An phải huy động khẩn lực lượng rà soát, kiểm tra tình trạng người dân tiêu hủy lợn chết không đúng nơi quy định.
Trước đó, một số người dân sống gần mương nước Phai Mèn, xã Lục Dạ phát hiện nhiều lợn chết, có con nặng gần 100kg đang trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi hôi thối trôi trên mương nước tưới tiêu gần khu vực đông dân cư và một số trường học.
Điều đáng nói, xã Thanh Yên mới bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Chỉ trong thời gian ngắn, địa phương này phải tiêu hủy gần 2 tấn lợn chết do dịch. Đầu tháng 4/2021, UBND xã Thanh Yên cũng đã cấm tuyệt đối việc buôn bán, giết mổ, đặc biệt là vứt xác lợn chết ra môi trường.
Tại xã Thanh Lĩnh, cho đến thời điểm hiện nay, 6/6 thôn của địa phương này đều đã xuất hiện dịch và đặc biệt hầu hết ngày nào cũng có người dân báo có lợn bị ốm chết.
Ông Nguyễn Trường Tam – Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh cho biết: “Tính đến ngày 3/4, số lượng lợn đã tiêu hủy lên đến gần 10 tấn. Riêng trong vòng 4 ngày (từ 31/3 đến 3/4) xã tiêu hủy gần 4 tấn lợn. Chỉ riêng trong tháng 3/2021, ngành chức năng đã xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng về hành vi vận chuyển lợn ra địa bàn có dịch”.
Hơn nữa, Thanh Lĩnh cũng xuất hiện xác lợn chết vứt giữa lòng sông vào những ngày qua. Thậm chí, xuất hiện xác lợn chết nặng gần 1 tạ tại sông Trai, tuy nhiên rất khó xác định được hộ dân vứt lợn. Nguyên do sông Trai chảy qua các xã Thanh Hương, Thanh Thịnh rồi mới đến Thanh Lĩnh, do đó lợn cũng theo dòng nước trôi xuống.
Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, từ ngày 1/1/2021, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn huyện nhưng lây lan mạnh nhất kể từ tháng 2 lại nay. Hiện huyện Thanh Chương là địa phương có tổng đàn lợn nhiều nhất tỉnh Nghệ An, với 110.000 con. Đây cũng là huyện có dịch diễn biến phức tạp nhất tỉnh với 170 tấn lợn bị tiêu hủy.
Nguyên nhân bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh là do trên địa bàn huyện chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, khó áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học trong chăn nuôi. Sau Tết Nguyên đán, người dân tái đàn lợn nhưng nhiều hộ không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Công tác tiêu độc khử trùng chưa được quan tâm đúng mức. Công tác kiểm soát giết mổ không được quản lý chặt chẽ.
Do người dân thường nhập con giống không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường về nuôi nên rất dễ lây lan bệnh. Ngoài ra, nhiều hộ dân đã không phòng ngừa, dẫn đến sức đề kháng của đàn gia súc yếu, khi gặp virus tả lợn châu Phi có sức tàn phá mạnh đã không đủ sức chống chọi.
Khi xảy ra dịch bệnh, người dân không khai báo với chính quyền địa phương cũng như cơ quan thú y để xử lý, gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch, làm thiệt hại kinh tế đến người chăn nuôi. Thời tiết diễn biến thất thường làm các nguồn nước, phân, chất thải phát tán ra môi trường, theo các kênh, mương, ao, hồ cũng là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2021 đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.762 hộ, thuộc 145 xã của 19 huyện, với gần 4.800 con lợn phải tiêu hủy.
Cơ quan chức năng xác định các ổ dịch mới phát sinh từ nền ổ dịch cũ, tình trạng này xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
H.H (tổng hợp)