Theo đó, chiều 25/12, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An năm 2017, một số nhà báo băn khoăn, tại các phiên chất vấn Quốc hội ở Trung ương, Thủ tướng Chính phủ nhắc đến các vụ phá rừng ở phía Bắc và Nam nhưng lại không thấy nhắc đến Nghệ An.
Trong khi đó, Nghệ An là nơi xảy ra những vụ phá rừng có thể nói lớn nhất cả nước lại không thấy đề cập. Ví như vụ việc 189 cây pơ mu quý hiếm bị đốn hạ xảy ra khoảng tháng 2/2017, tại địa bàn giáp ranh giữa 2 xã biên giới Tam Hợp và Lưu Kiền của huyện Tương Dương.
Về vụ việc này, sau đó, Công an huyện Tương Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng. Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An cũng tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 trạm trưởng ban quản lý rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, điều mà tại buổi họp báo, một số ý kiến băn khoăn là để bảo vệ rừng thì có 4 đối tượng chủ thể (chủ rừng, kiểm lâm địa bàn, chủ tịch UBND các xã nơi có rừng và bộ đội biên phòng (BĐBP) ở khu vực có rừng), vậy thì trách nhiệm của BĐBP ở đâu khi gần đây, tại vùng biên của các huyện miền Tây Nghệ An lại xảy ra rất nhiều vụ phá rừng, đặc biệt là vụ phá rừng nghiêm trọng tại huyện Tương Dương?
Tại buổi họp báo, Đại tá Trần Minh Công, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Nghệ An thừa nhận, thời gian qua, BĐBP đã tích cực phối hợp với các ngành như kiểm lâm, chính quyền địa phương… nhưng tại một số xã biên giới vẫn xảy ra phá rừng, đơn cử như vụ phá rừng ở xã Tam Hợp.
Nguyên nhân xảy ra vụ phá rừng ở xã Tam Hợp, theo Đại tá Trần Minh Công, do địa điểm rừng bị phá xa và sâu nên đi lại kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn. Ngoài ra, cũng do cán bộ ở đồn Biên phòng Tam Hợp có một phần thiếu trách nhiệm trong công tác tuần tra bảo vệ địa bàn nên còn để sơ hở, dẫn đến lâm tặc vào chặt phá rừng trái phép.
“Liên quan đến vụ phá rừng ở xã Tam Hợp, hiện chúng tôi đã xử lý một đồng chí quyền Đồn trưởng với hình thức khiển trách về Đảng và kỷ luật quân đội", Đại tá Trần Minh Công cho biết.
Trước đó, báo điện tử Người Đưa Tin đã có nhiều bài viết phản ánh, ngày 11/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2242/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020, trong đó tại Khoản a, Mục 2, Điều 1 quy định dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước. Chỉ đạo là thế nhưng năm 2017, tại rất nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An cửa rừng vẫn chưa… đóng.