Ngày 8/9, ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Điều phối Ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, bệnh viện đã được Bộ Y tế cấp phép thực hiện ghép tạng từ năm 2019. Dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Việt Đức và Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia, bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng từ người cho là người sống. Riêng đối với ghép tạng từ người cho chết não thì đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện.
Ngày 6/9, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nhận được đơn tự nguyện của thân nhân người cho xin đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi người cho bị chết/chết não.
Ngay lập tức, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã thông báo đến Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia và các trung tâm ghép tạng khác trong toàn quốc. Trong sáng 7/9, đoàn cán bộ của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế đã về Nghệ An làm việc, sẵn sàng cho công tác nhận tạng từ người cho và ghép tạng cho người nhận.
Vào 15h30 ngày 7/9, việc lấy tạng và ghép tạng từ người cho sang người nhận được chính thức thực hiện. Từ tạng của người cho, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã tiến hành ghép thận cho 2 bệnh nhân suy thận nặng. Đối với Gan, giác mạc… kíp mổ đã chuyển ngay ra Bệnh viện Việt Đức để ghép cho bệnh nhân suy gan đang điều trị tại đây.
Để thực hiện ca ghép tạng từ người cho chết não, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã huy động 6 kíp bác sĩ tham gia (kíp chuẩn bị, tư vấn, điều phối, lấy tạng, ghép tạng, theo dõi sau mổ) với tổng nhân lực khoảng gần 200 người.
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, việc gia đình người cho đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi người cho bị chết/chết não là việc làm có ý nghĩa nhân văn hết sức to lớn. Từ những bộ phận cơ thể của người cho mà nhiều bệnh nhân khác sẽ được cứu sống.
Đồng thời, tỉnh Nghệ An thực hiện được kỹ thuật ghép tạng từ người cho bị chết/chết não và người cho sống có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định vai trò vị trí của trung tâm y tế kỹ thuật cao vùng Bắc Trung Bộ; giúp cho người dân trong khu vực được ghép đa tạng mà không phải di chuyển xa.
Hiện nay, số người bệnh chờ được ghép tạng ở Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn tạng được hiến mới chỉ đáp ứng được 1/20 nhu cầu. Ở Việt Nam, việc hiến tạng chủ yếu đến từ người cho sống. Người dân vẫn còn e dè trong việc hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi người cho bị chết/chết não bởi các yếu tố văn hoá, quan niệm.