Theo dự báo, khoảng chiều tối và đêm mai 14/10, bão số 8 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Bão số 8 có tốc độ di chuyển nhanh (20 - 25km/h), vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Từ đêm nay (13/10) đến ngày 14/10, vùng ven biển tỉnh Nghệ An có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9; một số nơi có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 do kết hợp với không khí lạnh. Ngoài gió mạnh, sóng lớn, bão số 8 còn gây ra đợt mưa rất to tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ...
Trước diễn biến phức tạp và khó lường của bão số 8, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các đơn vị cần xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, công trình trường học trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa lũ, ngập lụt, lũ quét…
Sở chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, bão để có các giải pháp ứng phó kịp thời; triển khai lực lượng xung kích, cứu hộ theo phương châm “bốn tại chỗ”. Các đơn vị nhanh chóng di dời máy móc, thiết bị dạy học, sách vở, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi an toàn. Đặc biệt là các khu vực thấp trũng, khu vực thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... phải hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Trong thời gian này, Sở cũng yêu cầu các đơn vị trực ban 24/24 giờ, duy trì thông tin liên lạc, thông báo ứng cứu kịp thời. Các nhà trường cũng có thể chủ động cho học sinh nghỉ học tùy theo diễn biến của bão, mưa lũ tại địa phương.
Cần tuyên truyền để phụ huynh quản lý con em khi ở nhà, không di chuyển đến nơi nguy hiểm, qua cầu tràn, sông suối vớt củi, bắt cá khi mưa lũ. Trong trường hợp khẩn cấp, cần báo cáo nhanh bằng mọi cách cho cơ quan cấp trên để được hướng dẫn xử lý.
Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, trong trường hợp có học sinh ở lại tại trường thì phải quản lý chặt chẽ học sinh, tuyệt đối không để học sinh tự ý ra khỏi khu vực trường trong mưa bão; đối với các trường thuộc hạ lưu thủy điện cần sẵn sàng các phương án ứng phó trong các trường hợp nhà máy thủy điện xả lũ, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng lên kế hoạch để ứng phó với bão. Việc nghỉ học đang được các địa phương xem xét tùy theo tình hình thực tế. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT nếu bão trực tiếp đổ bộ vào tỉnh và trên địa bàn có mưa lớn thì các trường cần phải thông báo sớm cho phụ huynh, học sinh khi có quyết định nghỉ học để đảm bảo an toàn cho học sinh, tránh tình huống bất thường xảy ra khi các em đến trường.