Cấm biển, lên kế hoạch sơ tán hàng trăm nghìn người
Sáng 14/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa có Công điện số 36/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó với bão số 7 (tên quốc tế là NANGKANG).
Theo dự báo từ Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 4h vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, ngay trên Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 70km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão số 7, từ sáng nay, trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; riêng đất liền ven biển các tỉnh từ Nam Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
Tính đến 18h ngày 13/10, toàn tỉnh Nghệ An có 3.485 phương tiện/17.437 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Tất cả các phương tiện đều đã về neo đậu tại các bến trong tỉnh và 22 phương tiện/183 lao động tránh trú, neo đậu ở địa bàn tỉnh khác; Ngoài ra, có 25 phương tiện/121 lao động của tỉnh khác vào địa bàn tỉnh Nghệ An trú tránh bão số 7.
Trước ảnh hưởng của cơn bão, tỉnh Nghệ An dự kiến sơ tán 12.341 hộ với 102.112 người trong phạm vi cách bờ biển 200m. Đặc biệt, UBND huyện Quỳnh Lưu cũng yêu cầu các xã vùng ven biển khẩn trương triển khai di dời dân theo phương án phòng, chống thiên tai với tổng số hộ di dời là 149 hộ với hơn 1.600 nhân khẩu. Công việc di dời dân phải hoàn thành trước 10h ngày 14/10/2020.
Tại thị xã Hoàng Mai, công tác ứng phó với cơn bão số 7 được các địa phương triển khai nhanh chóng, kịp thời. Xã Quỳnh Lập có 172 phương tiện tàu thuyền từ 15 mét trở lên; 52 tàu dưới 15 mét và 186 bè mảng lắp máy, tất cả đều về bờ neo đậu an toàn trong chiều 13/10.
Ông Hoàng Ngọc Thủy – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã Hoàng Mai cho biết, toàn thị xã có gần 1.000 phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản, sáng nay toàn bộ tàu cá đã về bờ neo đậu an toàn. Hiện tại, công tác tuyên truyền, kiểm tra việc tàu thuyền neo đậu để đảm bảo an toàn đang được các địa phương quan tâm, chỉ đạo bà con ngư dân.
Ngoài khẩn trương kêu gọi và đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi về bờ neo đậu, thị xã Hoàng Mai cũng đang chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan theo dõi hồ Vực Mấu để khi bão đổ bộ gây mưa to sẽ có phương án xả lũ. Hiện tại, mực nước trong lòng hồ Vực Mấu đạt cốt 17,5m và nếu mưa to vượt lên 21,2m (tùy theo lượng mưa) thì sẽ có kịch bản xả lũ theo quy trình.
Huyện Diễn Châu cũng đang tích cực lên các phương án ứng phó với cơn bão số 7. Tính đến sáng 14/10, toàn bộ tàu cá của bà con ngư dân đã về bến neo đậu an toàn.
Cho học sinh nghỉ học phòng tránh bão
Trước đó, phòng GD&ĐT thành phố Vinh có văn bản yêu cầu các nhà trường theo dõi diễn biến của cơn bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp phòng chống và ứng phó kịp thời. Căn cứ tình hình thực tế để quyết định và thông báo cho học sinh nghỉ học.
Vì vậy, trường mầm non Hà Huy Tập, Lê Lợi, Nghi Ân, Lê Mao và các trường mầm non trên địa bàn phường Quang Trung đã thông báo cho học sinh nghỉ học. Ngoài ra, trường Tiểu học Hồng Sơn, trường Tiểu học và THCS Hà Huy Tập cũng thông báo cho học sinh nghỉ học ngày hôm nay (14/10).
Tại các huyện vùng ven biển của Nghệ An, phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo trường học chủ động theo dõi diễn biến bão để có phương án phù hợp đảm bảo an toàn cho học sinh.
Ông Trần Xuân Nhương – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu cho biết, thời tiết trên địa bàn có mưa nhỏ vì vậy sáng nay học sinh trên địa bàn đi học bình thường. Tuy nhiên, phòng cũng đã có văn bản đề nghị các trường thực hiện các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất, các công trình, lớp học và cho các em nghỉ học nếu cần.
Tại thị xã Cửa Lò, ông Phùng Đức Nhân - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thị xã chưa chịu ảnh hưởng nhiều của cơn bão số 7. Nhưng phòng đã ra thông báo để tất cả các trường mầm non trên địa bàn cho học sinh nghỉ học. Riêng bậc tiểu học và THCS, học sinh sẽ học hết buổi sáng và nghỉ buổi chiều”.