Ngày 10/9, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết trên địa bàn trời tiếp tục mưa kéo dài trong nhiều ngày qua, khiến các điểm tràn qua đường ở trên địa bàn bị ngập nước. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền các địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Theo thống kê ban đầu, mưa đã làm sạt lở đất, thiệt hại về nhà ở của người dân, nước đổ về tập trung vào suối Huồi Giảng gây ra hiện tượng lũ ống, kéo theo cây cối, gỗ mục, đất đá làm tắc cầu Hòa Sơn; khối 1, thị trấn Mường Xén ngập lụt. Gần 160 nhà dân, cơ quan ngập nước; hơn 50ha hoa màu, hàng trăm ao cá bị lũ cuốn trôi. Ước tính thiệt hại do mưa lũ ban đầu trên 50 tỷ đồng.
“Sau khi lũ rút, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Kỳ Sơn đã cử cán bộ trực tiếp xuống các xã thăm hỏi, động viên nhân dân, bước đầu mới tiếp cận được những bản gần trung tâm; những điểm còn lại đang bị cô lập”, ông Rê nói.
Điều đáng lo ngại, nếu trời tiếp tục mưa kéo dài, công tác khắc phục sạt lở đất sẽ còn nhiều khó khăn và kéo dài, vì nhiều điểm còn có nguy cơ sạt lở cao, trong khi đó, nước ở các khe, suối còn dâng cao, khó khăn cho việc đi lại của người dân và các phương tiện.
Tại huyện Quỳ Hợp, trong 3 ngày qua, trên địa bàn có mưa to đã gây ngập lụt cục bộ tại một số địa phương; làm hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi và gây thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi và diện tích nuôi trồng thủy sản của nhân dân, nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Theo thống kê, hàng chục ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; mưa lũ đã cuốn trôi 2 con lợn, 350 con gà, vịt, 3,2 ha ao nuôi cá của người dân. Hơn 400m đường giao thông và 30m kênh mương bị sạt lở, 1 cống bị cuốn trôi; hàng trăm mét tường rào sập đổ...
Chính quyền địa phương đã tổ 4 đoàn công tác trực tiếp xuống chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, các đơn vị, địa phương phòng, chống mưa lũ. Triển khai phương án chuẩn bị di dời dân ra khỏi khu vực ngập lụt, đưa tài sản lên nơi an toàn; kiểm tra các điểm xung yếu của hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, các khu dân cư vùng ven sông, ven suối, vùng có nguy cơ sạt lở. Đồng thời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ những hộ dân ở một số vùng bị ngập lụt.
Đến thời điểm hiện nay, các địa phương đã huy động 125 cán bộ, chiến sĩ, dân quân xã tham gia di chuyển các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn; phối hợp với các lực lượng tổ chức tuần tra, canh gác tại các điểm ngập lụt, sạt lở, hướng dẫn, cảnh báo người dân qua lại bảo đảm an toàn.
Trên địa bàn huyện Tương Dương mặc dù chưa xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng, nhưng trước tình hình mưa kéo dài, nhiều điểm trên các tuyến đường vào các xã vùng trong có nguy cơ cao bị sạt lở đất.
Ông Lô Khăm Kha Trưởng Phòng NNPTNT huyện cho hay, trước đó, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác phòng, chống thiên tai do mưa lũ. Theo đó, bố trí lực lượng nắm bắt tình hình mọi sự cố trên địa bàn để sớm có giải pháp xử lý và hướng dẫn người dân đi lại an toàn.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết trên địa bàn Nghệ An sẽ còn mưa to trong những ngày tới, vì vậy, các địa phương cần chủ động lên phương án phòng, chống thiên tai để hạn chế những thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Thống kê ban đầu của Văn phòng phòng chống Lụt bão tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa lớn đã làm một người ở xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, trong lúc đi chăn bò đã bị nước cuốn trôi, hiện đang mất tích. Đơn vị đã chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị khẩn trương huy động lực lượng trên địa bàn giúp đỡ nhân dân khắc phục kịp thời hậu quả và tiếp tục kiểm tra, rà soát, tổng hợp thiệt hại.