Nhiều lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An, năm 2023, địa phương này đã tạo việc làm mới cho 47.919 người, đạt 111,44% kế hoạch giao; tăng 6,48% so với năm 2022, đạt 113,41% so với đề án đã phê duyệt.
Trong đó, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 25.157 người (đạt 173,5% kế hoạch); làm việc trong tỉnh là 14.000 người; làm việc ở các tỉnh khác là 8.762 người.
Thị trường lao động chuyển dịch theo hướng tốt hơn, giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản từ 34,89% năm 2022 xuống 34,63% năm 2023, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng từ 32,60% năm 2022 lên 32,84% năm 2023, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực dịch vụ từ 32,48% năm 2022 lên 32,53% năm 2023.
Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên đảm bảo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế. Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 3%.
Giải quyết việc làm đạt kết quả đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Tuy vậy, công tác giải quyết việc làm của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; thông tin các chính sách, pháp luật về lao động đến người lao động còn hạn chế; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp, lao động phổ thông chưa qua đào tạo còn lớn.
Cùng với đó, trong năm, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, dịch vụ... dẫn đến nhiều người lao động phải chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Trong thông báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, năm 2023, toàn tỉnh có 23.149 người lao động nộp hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, tăng hơn 12,68% so với năm 2022. Đáng chú ý, trong số đó có gần 11.000 lao động làm việc ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tăng 37,9%.
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất đó chính là nhóm lao động trong độ tuổi từ 25 – 40 tuổi khi chiếm tỷ lệ lớn, với gần 6.000 lao động nam và hơn 9.800 lao động nữ. Tiếp đó là nhóm lao động trên 40 tuổi với 2.421 lao động nữ, 1.856 lao động nam; còn số lao động dưới 24 tuổi bị mất việc làm thì chiếm tỷ lệ thấp với 741 lao động nam và 1.749 lao động nữ.
Theo thống kê, đa phần lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp là lao động phổ thông, làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử…
Nghệ An đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 47.000 lao động
Trước thực trạng trên, năm 2024, tỉnh Nghệ An phấn đấu giải quyết việc làm mới cho khoảng 47.000 lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 3% và thất nghiệp khu vực nông thôn dưới 2%; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo từng lĩnh vực; nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 70,1 %, trong đó tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,6%...
Riêng đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Nghệ An phấn đấu đưa 16.500 người xuất cảnh trong năm 2024; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động lên 60%.
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng để thực hiện đạt mục tiêu giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhằm ổn định phục hồi và phát triển kinh tế, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là lao động có tay nghề cao.
Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý lao động địa phương với các doanh nghiệp; giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty để ký kết thỏa thuận thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo có địa chỉ, gắn tuyển sinh với tuyển dụng, sử dụng.
Bên cạnh đó, rà soát, kiểm tra chặt chẽ hồ sơ pháp lý và năng lực hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để giới thiệu về các huyện, thành, thị và cơ sở tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định.
Tiếp tục triển khai các gói vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để người lao động tiếp cận vốn vay, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa.
Về phía các địa phương, cần phối hợp chặt chẽ các đơn vị làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu cầu thị trường lao động; quản lý chặt chẽ đối tượng lao động trong độ tuổi, lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, lao động làm việc tại thị trường các nước...
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia để đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài, để họ nhận thức được rằng ra nước ngoài làm việc không chỉ để có thu nhập về kinh tế, mà quan trọng hơn được rèn luyện hiểu biết ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật, xây dựng tác phong công nghiệp, kỹ năng nghề cho chính bản thân họ, từ đó có thể chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm mới, giúp thoát nghèo bền vững.