Thống kê ban đầu của ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, cho đến 10h ngày 19/7, tỉnh Nghệ An có 6 ngôi nhà của người dân bị sập và bị đất đá sạt lở vùi lấp; 5 điểm trường bị ảnh hưởng; hơn 19.000ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hỏng; hơn 15.000m đường giao thông bị sạt lở, nhiều tuyến quốc lộ bị ngập; 31 cột điện bị đổ gãy.
Do ảnh hưởng trực tiếp của bão nên trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa to đến rất to. Nhiều đường sá bị ngập, một số xã ở các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An đang bị chia cắt, dẫn đến cô lập tạm thời.
Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp Hồ Lê Ngọc cho biết, trên địa bàn hiện nay có 2 xã là Châu Hồng, Châu Tiến bị cô lập. Ngoài ra, mưa to, lũ ở các khe, suối dâng cao làm ngập cầu vào các xóm, bản.
Tuyến Quốc lộ 48C đoạn qua xã Châu Cường bị ngập hơn 1m, chia cắt các xã Châu Cường, Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Thành với các xã vùng ngoài...
Hiện tại nước đầu nguồn đang đổ về mạnh, một số diện tích lúa sát khe suối bị ngập, nhiều nhà dân ở gần khe suối và những chỗ trũng thấp nước ngập vào sân. Người dân đã chủ động di chuyển đồ đạc, đến nhà người thân nơi cao ráo, an toàn.
Trước tình hình diễn biến khó lường do ảnh hưởng mưa lũ của hoàn lưu cơn bão số 3, lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đã xuống 21/21 xã, thị trấn thị sát tình hình, chỉ đạo các địa phương phải túc trực 24/24h; nhiều cầu tràn bị ngập nước phải có rào chắn cảnh báo; bố trí canh giữ không cho người dân đi vào vùng nguy hiểm.
Tại huyện Quế Phong, do mưa to, nước tràn đường, chảy mạnh, đã làm chia cắt cục bộ tuyến đường Châu Kim - Nậm Giải.
Tại xã Thông Thụ, vào 8h30 ngày 19/7, đã có 3 hộ dân của 2 bản Mường Piệt và Mường Phú phải di dời ra khỏi vùng lũ.
“Hiện tại, xã đã tập trung lực lượng để di dời khẩn cấp các hộ dân còn lại nằm dọc ven sông Chu, ven hồ thủy điện Hủa Na để tránh sạt lở, lũ quét”, bà Lương Thị Hồng, Chủ tịch xã Thông Thụ, huyện Quế Phong cho biết.
Tại xã Hạnh Dịch, mưa bão đã làm ngập cầu tràn bản Pỏm Om. Nhiều ha lúa và ha màu bị ngập nước. Hiện, xã chỉ đạo làm các điểm chốt chặn, không cho dân qua lại, vớt gỗ.
Về phía huyện, đã hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung phòng chống lụt bão, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Quế Phong, các ngành liên quan đã chia thành nhiều đoàn, trực tiếp về cơ sở chỉ đạo nhân dân phòng tránh lũ lụt, không để thiệt hại về người và tài sản.
Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, huyện Đô Lương có trên 3.000ha lúa bị chìm ngập trong nước. Nếu trời tiếp tục mưa, nước ngập lớn sẽ làm hàng nghìn ha lúa của bà con nông dân bị thối và có khả năng mất trắng.
Một số xã như Nhân Sơn, Thuận Sơn, Hiến Sơn nước bắt đầu vào nhà dân. Nhiều khu dân cư ở các xã vùng dưới đã bị chia cắt do nước ngập hoàn toàn.
Hiện nay, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo các xã chuẩn bị lực lượng di dời những hộ dân bị ngập nước ra khỏi vùng bị ngập úng. Tổ chức lực lượng kiểm tra hệ thống hồ đập để xử lý các vấn đề nảy sinh, đồng thời tổ chức khơi thông thoát nước để chống ngập úng cho lúa.
Tại xã Đại Sơn, đập Ô Quan đang thi công chưa hoàn thành, có khả năng bị vỡ. Lãnh đạo UBND huyện đang chỉ đạo ban chỉ huy quân sự và điều động dân quân xã Đại Sơn cùng với đơn vị thi công thực hiện các biện pháp để bảo vệ. Xã Đại Sơn cũng đã di dời 15 hộ dân ra khỏi vùng chân đập để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.
Tại huyện Anh Sơn, tại địa bàn nhiều xã như Thọ Sơn, Thành Sơn, Bình Sơn bị ngập lụt nặng nề.
Tại xã Thọ Sơn có 2 cầu tràn ở thôn 9 và cầu lên thôn 1 nước ngập cao không thể lưu thông. Tại xã Thành Sơn tuyến đường Tỉnh lộ 534B tại Km32+150 cầu Khe San xã Thành Sơn nước dâng ngập đường 1,5m. Đây là tuyến đường nhân dân 3 xã Thành Sơn, Thọ Sơn, Bình Sơn giao thương, đi lại hàng ngày.
Hiện nay, huyện Anh Sơn đang chỉ đạo các địa phương tuyên truyền người dân tuyệt đối không được đi lại cho đến khi nước rút hết, cử người trực 24/24h ở hai đầu tràn các cầu, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại.