Tại phiên chất vất và trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII, có 12 đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến về Công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh và các Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP). Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý, hiệu quả sử dụng đất trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Công Văn (đơn vị Nghi Lộc) nêu, việc chuyển đổi mô hình các Nông, Lâm trường Quốc doanh và các Tổng đội TNXP thực chất mới thực hiện việc đổi tên, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp; phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập được bản đồ địa chính. Số liệu giữa hồ sơ kỹ thuật và thực địa còn sai lệch, tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật và gây khó khăn, phức tạp cho việc quản lý đất đai....Cần có giải pháp gì để quản lý, sử dụng đất đai, rừng của các Nông, Lâm trường, các Tổng đội TNXP hiện nay, sớm khắc phục những tồn tại như đã nêu trên?
Đại biểu Vi Văn Quý (Quỳ Hợp) nêu câu hỏi: Tại Lâm trường tổng hợp thuộc Công ty Sông Hiếu đã xảy ra một số vụ việc tranh chấp đất đai phức tạp giữa người dân và các công ty nông lâm nghiệp làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Sở TN&MT đã tham mưu giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ngoài ra, nhiều đại biểu còn đặt câu hỏi liên quan đến việc bố trí kinh phí để giải quyết các tồn tại trong việc đo đạc, cắm mốc, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường,
Liên quan đến vấn đề đại biểu Công chất vấn, ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) thừa nhận đại biểu phản ánh đúng thực trạng. Đây là vấn đề có tính lịch sử và tồn tại nhiều bất cập. Với những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp để công tác quản lý, sử dụng đất đai, rừng của các nông, lâm trường, các Tổng đội TNXP hoạt động hiệu quả hơn. Trong đó, chỉ đạo các Công ty nông lâm nghiệp trực tiếp quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả hơn, hạn chế tối đa tình trạng “phát canh thu tô”, khoán trắng; tham mưu UBND tỉnh giao thuê đất đối với các Công ty nông lâm nghiệp và các công ty phải sử dụng hiệu quả để trả tiền thuê đất cho nhà nước.
Sở TN&MT cũng sẽ phối hợp với Cục Thuế tỉnh trên cơ sở phương án đã được phê duyệt sẽ tiến hành thu tiền thuê đất đối với các công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đúng quy định; đồng thời phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan để thanh tra, kiểm tra hoạt động của các Công ty nông lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh các trường hợp vi phạm pháp luật như thời gian qua của một số công ty trên địa bàn.
Giám đốc sở TN&MT thừa nhận, công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các đơn vị sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường chưa thực hiện thường xuyên nên việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đang còn hạn chế. Một số đơn vị cấp huyện chưa thực sự được quan tâm đúng mức cả về nhân lực, vật lực để tổ chức lập phương án sử dụng đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận cho người dân đối với quỹ đất thu hồi của các công ty nông, lâm nghiệp.
Ngân sách nhà nước bố trí hàng năm để thực hiện việc cắm mốc ranh giới, đo đạc bản đồ địa chính, giao đất, cấp giấy chứng nhận đối với quỹ đất do các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tổng đội thanh niên xung phong, ... còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời.
Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, trước năm 2004 có 37 nông lâm trường, sau sắp xếp hiện còn 11 nông lâm trường, trong đó có 4 công ty nông lâm nghiệp và 7 công ty nông nghiệp. Hiện tại, các công ty đang sử dụng hơn 78.000 ha đất; trong Đề án của Chính phủ phê duyệt còn 2.000 ha đất phải giao. Quá trình chuyển đổi các công ty nông lâm nghiệp cũng đã giải quyết được nợ đọng và chế độ chính sách cho người lao động; công tác quản trị được tốt hơn. Tuy nhiên, vì các công ty hoạt động theo luật doanh nghiệp nên Sở NN&PTNT chỉ quản lý về chuyên môn, các biện pháp lâm sinh và hướng dẫn thực hiện quy hoạch.
Năm 2019, Sở đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra để có hay không tình trạng khoán trắng “phát canh thu tô”. Qua kiểm tra và phát hiện trong nội bộ Công ty thực hiện khoán 5%, khoán bên ngoài công ty 6% và việc khoán này được thực hiện theo quy định của Nghị định 135 và Nghị định 168 của Chính phủ. Nguồn thu từ giao khoán này không phải thu về tự sử dụng mà Công ty dành kinh phí để làm dịch vụ đầu vào đầu ra và hướng dẫn kỹ thuật...
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp, các tổng đội TNXP; bám sát định hướng phát triển theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và các nội dung trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để hỗ trợ các công ty nông, lâm nghiệp phát huy tối đa tính đa dụng của rừng và hiệu quả sử dụng đất.
Liên quan việc bố trí kinh phí để giải quyết các tồn tại trong việc đo đạc, cắm mốc, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường, ông Trịnh Thanh Hải, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, để thực hiện Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt tổng kinh phí 224 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2024, chia thành 2 giai đoạn; giai đoạn 1, gồm 11 ban quản lý rừng phòng hộ với 113 tỷ đồng và giai đoạn 2, gồm 5 tổng đội TNXP, vườn quốc gia, khu bảo tồn, nông lâm trường quốc doanh…, với số kinh phí dự kiến 111 tỷ đồng.
Về tiến độ bố trí kinh phí, năm 2022, Trung ương bố trí 20 tỷ đồng; ngân sách tỉnh bố trí 45 tỷ đồng trong 2 năm 2022, 2023. Đồng thời đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường tham mưu tỉnh trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình Chính phủ phân bổ nguồn năm 2023 và 2024 cho địa phương để thực hiện nhiệm vụ đo đạc, cắm mốc, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường cho người dân.