Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, giảm các sản phẩm thô
Đầu năm 2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cụ thể là phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2025 đạt 4 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 7 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 19%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 27,2%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm. Tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến lên 95% vào năm 2030; giảm tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm thô.
Tăng tỷ trọng xuất khẩu thị trường Châu Âu lên 12%/tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 20% vào năm 2030; thị trường Mỹ lên 18%/tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 25% vào năm 2030; tỷ trọng xuất khẩu thị trường châu Á là 68% vào năm 2025 và 52% vào năm 2030. Tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa, máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng; đảm bảo cán cân thương mại hợp lý trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu được công bố trong phiên họp thường kỳ tháng 12/2023 của tỉnh Nghệ An, lũy kế cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương ước đạt 3,11 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước sẽ chạm mốc 2,5 tỷ USD trong năm nay. Kim ngạch nhập khẩu của Nghệ An năm nay ước đạt 1,323 tỷ USD, tăng 4,15% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là năm đầu tiên tổng kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An vượt mốc 3 tỷ USD. Xuất khẩu cũng là một trong những chỉ tiêu mà tỉnh Nghệ An thực hiện vượt từ năm đầu của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong nhiệm kỳ này, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu xuất khẩu đến năm 2025 đạt 1,765 tỷ USD. Song từ năm 2021, Nghệ An đã thực hiện vượt mục tiêu, đạt hơn 2,4 tỷ USD và năm 2022 đạt 2,54 tỷ USD.
Theo số liệu báo cáo của Cục Hải quan Nghệ An, năm 2023, có 475 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan, với tổng số 56.847 tờ khai xuất, nhập khẩu (tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2022). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là đá vôi và bột đá vôi trắng các loại, dăm gỗ, clinker, loa điện thoại di động, tai nghe, các sản phẩm điện tử, hàng may mặc đã gia công…
6 nhiệm vụ, giải pháp cho xuất khẩu
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gồm: Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu; quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.
Căn cứ nội dung, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết hoặc lồng ghép vào các chương trình, nhiệm vụ công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả, đảm bảo tiến độ; định kỳ hằng năm (trước ngày 30/11) báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện, đề xuất, kiến nghị gửi về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, hướng tới mục tiêu đưa hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của tỉnh phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh với cơ cấu cân đối, hài hòa; phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu, nâng cao năng suất, hàm lượng đổi mới, sáng tạo, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.
Đồng thời, kế hoạch cũng chỉ rõ phát triển xuất khẩu phải gắn với quy hoạch, kế hoạch sản xuất và thị trường tiêu thụ trên cơ sở vận dụng hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu. Tăng mạnh tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, cho biết ngành công thương sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách trong thông quan hàng hóa xuất khẩu nhằm tránh chồng chéo; xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, cải tạo nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi tại khu vực cửa khẩu biên giới và cảng biển, mở rộng khơi thông luồng lạch tại cảng biển để tàu trọng tải lớn ra vào thuận lợi; đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu xuất khẩu về lâu dài.
Cùng với đó, ngành sẽ nâng cao chất lượng cán bộ quản lý lĩnh vực xuất nhập khẩu về các lĩnh vực, thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường, đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm của Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thuế, hải quan, giám định chất lượng, kiểm dịch động thực vật, khử trùng... Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp vào đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại Nghệ An.