Nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã
Tính đến ngày 30/4/2024, toàn tỉnh Nghệ An đã có 567 sản phẩm đạt sao OCOP, đứng thứ hai cả nước, trong đó có 269 sản phẩm là của các hợp tác xã và tổ hợp tác; 79 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó có 22 sản phẩm của các hợp tác xã.
Ông Phạm Kim Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Sen quê Bác (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cho hay, từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã đã tiếp quản và trồng liên kết mở rộng được hơn 80 ha sen trên diện tích ao hồ của địa bàn toàn huyện, đồng thời đưa 25 giống sen về nhân giống để trồng, phấn đấu thực hiện nhân được 50 giống nhằm bảo tồn quỹ gen.
Ngoài nhiệm vụ trồng, chăm sóc, bảo tồn các giống sen quý trên địa bàn xã Kim Liên cũng như huyện Nam Đàn, Hợp tác xã còn thu mua nguyên liệu, sản phẩm từ sen cho người dân, hướng tới phát triển du lịch sinh thái bền vững; giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động tại địa phương. Mục tiêu lâu dài của Hợp tác xã là cung cấp giống sen cho cả nước, xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ sen đạt OCOP từ 3 – 5 sao.
Hợp tác xã còn quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, website và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, qua tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức, như các hội chợ; diễn đàn kết nối cung – cầu…, sản phẩm của hợp tác xã đã được nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận mở rộng, phát triển các kênh phân phối, hợp tác với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Theo ông Cao Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh nghệ An, thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại luôn được ngành Công Thương phối hợp với các ngành, trong đó có Liên minh Hợp tác xã tỉnh luôn trăn trở các giải pháp hoạt động thương mại.
Cùng đó là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại. Sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An đã hỗ trợ được hơn 470 doanh nghiệp và thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng, thu hút trên 9,2 triệu lượt truy cập; giới thiệu và chào bán 3.723 các sản phẩm và dịch vụ.
Hằng năm, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ, kết nối tiêu thụ khoảng 50.000 - 60.000 tấn cam, 20.000 – 30.000 tấn quýt, 25.000 – 30.000 tấn dứa quả, 5.000 tấn gừng, 5.000 tấn chanh, 800 tấn thủy, hải sản chế biến...
Đến nay đã có nhiều sản phẩm đạt sao OCOP; nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã vào được hệ thống các chuỗi cung ứng siêu thị và các cửa hàng thực phẩm, bách hóa và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đặc biệt, có sản phẩm chế biến từ nông sản đã tìm được thị trường xuất khẩu tại các nước Tây Á, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại
Dự kiến vào tháng 6/2024, UBND tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức hội thảo Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An năm 2024. Sở NN&PTNT được giao chủ trì phối hợp Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh lựa chọn các doanh nghiệp, Hợp tác xã trưng bày, giới thiệu sản phẩm bên lề hội thảo.
Việc tổ chức hội thảo nhằm bàn giải pháp nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP của tỉnh theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Trong đó, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ chủ yếu đảm bảo an sinh xã hội, chưa gắn kết với thị trường sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với nhu cầu của thị trường.
Đồng thời, nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết; nâng cao thu nhập phát triển doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, thảo luận tiềm năng phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP; thuận lợi, khó khăn và định hướng phát triển sản phẩm OCOP của các địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Bà Võ Thị Nhung, Phó Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, sau hơn 4 năm, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng và đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, bứt phá đi lên góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của Nghệ An dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại, chất lượng, giá trị.
Chương trình OCOP tại tỉnh Nghệ An đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; đặc biệt là phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.