Lo sạt lở đất, sơ tán hàng trăm hộ dân
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp (suy yếu từ cơn bão số 9) kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ đêm 28/10 đến sáng 29/10, tại khu vực huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có mưa to và rất to.
Trước nguy cơ xảy ra sạt lở đất, UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo UBND xã Bảo Nam kịp thời sơ tán 36 hộ dân, với 156 nhân khẩu ở bản Nam Tiến 2, về khu sơ tán để tránh trú an toàn.
Ông Cụt Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã Bảo Nam cho biết: “Để đảm bảo công tác giúp người dân kịp thời sơ tán và đảm bảo an ninh, UBND xã đã điều động toàn bộ lực lượng Công an xã, Ban chỉ huy quân sự xã và các cán bộ trong ban phòng chống thiên tai của xã giúp dân sơ tán đồ dùng thiết yếu, bảo vệ an ninh khu vực sơ tán”.
Để có chỗ tạm trú cho người dân chính quyền phải tạm trưng dụng điểm trường học để 36 hộ bản Nam Tiến 2 có chỗ sơ tán. Người dân cũng được hỗ trợ thức ăn nước uống đầy đủ.
Bản Na Mỳ, Vàng Phao, Xốp Phe, thuộc xã Mường Típ và bản Xốp Phong, xã Mường Ải cũng nằm trong khu vực sạt lở. Vì vậy, UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã chỉ đạo 2 địa phương này tiếp tục đưa người dân đến nơi trú tránh an toàn.
“Cùng với công tác sơ tán, huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo các xã tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ người dân về lương thực thực phẩm, trong đó huyện chỉ đạo các xã trích nguồn kinh phí dự phòng để giúp người dân sinh hoạt tại các khu tránh trú tạm thời”, ông Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết.
Trưa 29/10, ông Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cùng đại diện lãnh đạo huyện Hưng Nguyên đến kiểm tra, vận động các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở ở xóm 5, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên sơ tán đến nơi an toàn.
Trước đó, do mưa lớn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hưng Nguyên đã phát lệnh sơ tán dân tại khu vực núi Rày thuộc các xóm 3, 4, 5, xã Hưng Yên Nam với 39 hộ, 137 người.
Chính quyền huyện Hưng Nguyên cho biết, địa phương tích cực vận động các hộ chấp hành lệnh sơ tán khỏi vùng nguy hiểm vào chiều tối 29/10; kiên quyết, không để một hộ dân nào tại vùng này ở lại nhà trong quá trình mua to, gió lớn đang diễn ra.
“Phương án bố trí cho các hộ thuộc diện sơ tán được chính quyền huyện và xã sắp xếp có thể ở tại nhà văn hóa xóm hoặc khu vực trường học. Trước mắt, nhiều hộ dân đến nhà người thân ở khu vực an toàn để sinh hoạt, chờ sau mưa sẽ trở về nhà”, bà Nguyễn Thị Thơm - Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên nói.
Mưa lớn gây úng ngập, chia cắt cục bộ
Từ đêm 28 và ngày 29/10, trên địa bàn huyện Thanh Chương đã xảy ra mưa lớn khiến một số xã vùng núi, vùng thấp trong huyện đã bị úng ngập cục bộ, một số tuyến đường bị chia cắt, nhiều hộ dân bị cô lập.
Ông Nguyễn Khánh Thành - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương cho biết, thời điểm này, một số cầu tràn trong xã đã ngập băng không thể qua lại được, vùng đập Cửa Ông đã xảy ra lũ quét làm hư hại nhiều diện tích hoa màu của người dân. Do mưa to, gió lớn, nhiều cây cối đã đổ ngã trên các tuyến đường, một số cây bật gốc đổ vào nhà dân làm sập mái nhà. Hiện người dân đang khắc phục trong mưa.
Tại xã Thanh Thủy, từ sáng 29/10, các cầu tràn trên địa bàn như cầu tại thôn Thủy Hòa, cầu qua xã Thanh Khê, cầu vào Tổng đội TNXP5… đều đã ngập nước, gây chia cắt cục bộ. Riêng cầu tràn tại thôn Thủy Hòa nước dâng cao gần 2m, chảy xiết.
Tại xã tái định cư Ngọc Lâm, nước mưa đã làm ngập sâu đường vào bản Tân Ngọc, khiến người dân không thể qua lại được, nước suối lên nhanh, chảy xiết làm ngập một số cầu tràn, cầu cứng, khiến nhiều tuyến đường liên xã, liên bản bị chia cắt.
Vào lúc 15h30 hôm nay, mực nước sông Rộ đang lên nhanh, nguy cơ ngập lụt, lũ quét vùng xóm 10 và một số vùng xóm 9 (cũ), xã Thanh Khê. Chính quyền xã đã đề nghị 2 khu vực trên sơ tán trẻ em, người già, người bệnh tật cũng như một số hộ tại xóm 1, 2, 3, 4 (cũ) có nguy cơ sạt lở núi cần sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn.
Ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Nhiều tuyến đường, cầu tràn ở các xã như: Thanh Thịnh, Thanh Nho, Thanh Lâm, Thanh Hòa… cũng đang bị ngập nước cục bộ. Trên địa bàn mưa đang lớn, nước các sông, suối đang lên nhanh, chính quyền, đoàn thể các địa phương đã cắt cử lực lượng túc trực, lập rào cản, khuyến cáo mọi người không nên qua lại những điểm ngập sâu, đề phòng tai nạn rủi ro”.
Dự báo về thời tiết trong những ngày tới, ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên Vịnh Bắc Bộ và vùng biển Bắc Trung Bộ vẫn còn có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-4m. Gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - cấp 5, có nơi cấp 6. Trời chuyển lạnh.
“Từ 29/10 đến ngày 31/10, do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến: 200 - 300 mm/đợt, có nơi 400 - 500 mm/đợt. Do vậy, trên địa bàn Nghệ An dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng trung du và miền núi, ngập úng ở đô thị và các vùng trũng”, ông Tiến cảnh báo.