Thời cơ và thách thức khi phát triển kinh tế tuần hoàn
Chỉ trong 2 năm trồng dưa lưới trong nhà, trang trại của anh Đặng Trọng Thành (SN 1986), trú xóm Ân Quang, xã Tây Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã đạt kết quả vượt qua sự mong đợi.

Mô hình dưa lưới trong nhà của anh Thành áp dụng tiêu chuẩn VietGap.
Anh Thành cho biết, thời điểm anh xây dựng nhà lưới trồng dưa là vào cuối vụ, gặp rất nhiều khó khăn do mưa kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian sinh trưởng của cây.
Tuy nhiên, nhờ áp dụng hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng rau - quả đạt tiêu chuẩn VietGap thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, mà dưa của gia đình đã có năng suất cao.
"Bằng các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, chúng tôi đã kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm và thời tiết bất lợi, nên dưa năng suất cao và ổn định. Năm đầu tiên, giá bán dưa tại vườn là 50.000 đ/kg, lãi sau khi trừ chi phí chúng tôi thu được hơn 90 triệu đồng", anh Thành nói.
Trang trại của anh Đặng Trọng Thành là một trong hai hộ tham gia mô hình "Trồng dưa lưới trong nhà màng đạt tiêu chuẩn VietGAP" do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và nông thôn Tây Thành thực hiện. Giống dưa được sử dụng là giống dưa lưới TL3, trong đó nhà nước hỗ trợ 50% cho chi phí giống, vật tư phân bón, bao bì…
Sau vụ thu hoạch, đánh giá mô hình cho thấy, giống dưa lưới TL3 sinh trưởng phát triển khỏe, có khả năng kháng bệnh héo xanh, bệnh phấn trắng và rầy mềm rất tốt. Quả có to và chắc chắn, thịt quả màu cam, quả có vị ngọt thanh, giòn và có mùi thơm nhẹ. Đặc biệt, trọng lượng lớn hơn, bình quân đạt 1,2kg/quả, độ Brix đạt trên 15 độ, năng suất đạt hơn 5 tấn.
Mặc dù trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình anh Đặng Trọng Thành mang lại nguồn thu lớn gấp nhiều lần so với các cây ăn quả khác. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao, cách làm thận trọng, chi phí đầu tư lớn nên mấy năm nay gia đình vẫn chưa thể mở rộng diện tích.
Đã có nhiều nhà vườn đến tham quan và tìm hiểu mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình anh Thành. Tuy nhiên, đa phần đều bị "vấp" ở khâu kỹ thuật. Yêu cầu kỹ thuật tương đối cao, chi phí làm nhà màng tốn kém nên nhiều nhà vườn chưa dám đầu tư.
Đây cũng là khó khăn của tỉnh Nghệ An khi tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị bền vững.
Sở hữu gần 1.500.000ha đất nông nghiệp, dù có tiềm năng, lợi thế nhưng quy mô kinh tế trang trại tại Nghệ An còn nhỏ, chưa đồng đều, mang tính tự phát, phân tán. Việc lựa chọn một số cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, mất cân đối cung - cầu, giá cả không ổn định.
Phần lớn các chủ trang trại đều thiếu vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và trang bị máy móc, thiết bị; thủ tục cho thuê đất còn vướng mắc... Bên cạnh đó, số lượng các mô hình kinh tế tuần hoàn chưa nhiều; việc tận dụng nguồn phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của các hộ dân trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
Chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Về việc này, bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nghệ An cho biết, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tuần hoàn góp phần xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay.

Hiện nay, Nghệ An vẫn có rất ít nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế tuần hoàn. Ảnh TH.
Về phát triển kinh tế tuần hoàn, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình hiệu quả được áp dụng như mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), tùy theo điều kiện tự nhiên, nhiều địa phương có các mô hình VAC biến thể. Thực hiện các mô hình nông nghiệp này vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 440 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020. Tổng vốn đầu tư sản xuất bình quân 1 trang trại là hơn 3,3 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân của 1 trang trại gần 700 triệu đồng/năm. Tổng số lao động thường xuyên trong các trang trại là 1.423 người. Số trang trại có liên kết sản xuất là 139 trang trại.
Thời gian qua, công tác triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn đã được tỉnh Nghệ An nghiên cứu, lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phát triển trên từng ngành, lĩnh vực.
Trước những khó khăn trên, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn số 1188/UBND-KT về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn theo Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan cần tăng cường rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về kinh tế tuần hoàn.
Triển khai các giải pháp phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh; hỗ trợ phát triển thị trường tiêu dùng sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ.

Ứng dụng công nghệ cao tại trang trại TH thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ảnh TH.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Nghệ An sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, đặc biệt là mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, bền vững, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; rà soát, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp...
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, nhằm góp phần tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, sản phẩm từ các mô hình kinh tế tuần hoàn.
"Hàng năm, Sở NN và PTNT phê duyệt từ 20 - 40 mô hình khuyến nông địa phương; đề xuất từ 10 - 20 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu tuyển chọn các mô hình sản xuất vừa đạt mục tiêu kinh tế, vừa đạt mục tiêu về môi trường, bền vững theo đề án phát triển kinh tế tuần hoàn", bà Nhung nói.
Phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An có 550 trang trại đạt các tiêu chí; Tổng thu nhập bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/trang trại/năm; Số trang trại áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất chiếm trên 25%, có hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đạt 32%; có tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 30% tổng số trang trại toàn tỉnh.