Nghệ An thiếu 5.200 giáo viên trước thềm năm học mới
Trước đó vào dịp trước thềm năm học mới 2022-2023, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Nghệ An cho biết, vừa qua trung ương bổ sung cho tỉnh này hơn 2.800/8.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên.
"Số chỉ tiêu này, ngành giáo dục đã phân bổ cho các huyện để tuyển dụng kịp thời trước năm học mới. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh còn thiếu 5.200 giáo viên", đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết.
Cũng theo đại diện ngành giáo dục Nghệ An, hiện nay một số huyện khó tuyển dụng đủ giáo viên các tin học, tiếng Anh cấp Tiểu học như: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong; một số huyện khó tuyển đủ giáo viên Tiểu học như: Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu.
Giải bài toán thiếu giáo viên ở Nghệ An
Vấn đề thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã diễn ra nhiều năm nay khiến cho việc tổ chức dạy và học ở các nhà trường gặp nhiều khó khăn. Trong tình huống đó, nhiều địa phương buộc phải thuyên chuyển giáo viên từ bậc Trung học Cơ sở xuống dạy Tiểu học theo hình thức biệt phái, như huyện Nghi Lộc biệt phái hơn 20 giáo viên Trung học Cơ sở các môn Toán, Tiếng Việt xuống để hỗ trợ các trường Tiểu học; huyện Yên Thành cũng biệt phái trên 60 giáo viên.
Năm học này, Nghệ An đã phải tăng sĩ số học sinh/lớp, tối đa theo các quy định, thậm chí ở vùng đồng bằng, thành phố vượt trần tối đa theo quy định.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tích cực rà soát, sắp xếp trường lớp, dồn dịch các điểm trường để “tiết kiệm” giáo viên. Với phương châm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, ngành cũng đã thực hiện ký hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp giáo dục tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao.
Với những môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường đã điều động các giáo viên thừa thiếu cục bộ đi học văn bằng 2, hoặc đi học chương trình quy định của Bộ để đi dạy Tin học hoặc các môn Khoa học tự nhiên...
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các môn năng khiếu như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Tin học và Tiếng Anh để bố trí lớp học theo quy định tối thiểu và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An đã linh hoạt cách bố trí giáo viên đứng lớp để đảm bảo chương trình.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An cũng đã thông qua Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, Đề án cũng đề cập đến việc đào tạo “đặt hàng” sinh viên sư phạm.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Trong những năm tới, tỉnh dự kiến sẽ đào tạo 1.000 sinh viên (đặt hàng đào tạo giáo viên các môn khó tuyển (Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) cho các địa phương miền núi khó tuyển dụng. Tuy nhiên, để Đề án triển khai hiệu quả, ngoài cơ chế, tỉnh cần bổ sung đủ biên chế cho ngành Giáo dục, trên cơ sở đó mới thực hiện được việc đặt hàng sinh viên”.
Những đối tượng cần được ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên ở Nghệ An
Ngày 25/10, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3298/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh bổ sung 2.820 biên chế giáo viên năm học 2022 - 2023 kèm theo phân bổ chi tiết cho 21 huyện, thành thị, cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo.
Sau khi thống nhất ý kiến với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo.
Theo đó, việc tuyển dụng việc chức được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/09/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 2/12/2020 của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và Quyết định số 23/2021/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành quy định quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh Nghệ An. Trong đó lưu ý điều kiện đăng ký tuyển dụng viên chức quy định tại Điều 5 và ưu tiên trong tuyển dụng viên chức quy định tại Điều 6 của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.
Theo hướng dẫn, cần thực hiện tuyển dụng đối với giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGD ĐT- BTC - BNV đang giảng dạy ở các trường mầm non công lập trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã.
Đặc biệt, trong quá trình tuyển dụng đối tượng này, nếu giáo viên có trình độ đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, trong quá trình công tác được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên, căn cứ vào chỉ tiêu được UBND tỉnh giao, UBND huyện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, gửi Sở Nội vụ thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức tuyển dụng hết số giáo viên nêu trên, thời gian hoàn thành trước ngày 30/01/2023.
Nếu giáo viên có trình độ đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2005 nhưng chưa đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 việc tuyển dụng được thực hiện theo hai hướng: Trong đó, những người đã hợp đồng lao động có đóng BHXH bắt buộc trước ngày 31/12/2015 thực hiện tuyển dụng đặc cách theo Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 15/11/2019 của Bộ Nội vụ về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng và Công văn số 336/BGD ĐT - NGCBQLGD ngày 27/01/2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc một số nội dung liên quan đến trình độ đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Sau khi tuyển dụng, giáo viên phải có cam kết (hoặc được bố trí) đào tạo theo lộ trình nâng trình độ đạt chuẩn quy định. Tổ chức tuyển dụng hoàn thành trước 30/01/2023.
Những người đã hợp đồng lao động có đóng BHXH bắt buộc sau ngày 31/12/2015 và những người đã hợp đồng lao động có đóng BHXH bắt buộc trước ngày 31/12/2015 nhưng không đủ điều kiện để tuyển dụng đặc cách yêu cầu giáo viên phải có cam kết (hoặc được bố trí) đào tạo theo lộ trình nâng trình độ đạt chuẩn quy định trước ngày 31/12/2025; bố trí chỉ tiêu người làm việc vị trí giáo viên mầm non để tiến hành tuyển dụng sau khi đạt chuẩn đào tạo.
Nếu đến ngày 31/12/2025, giáo viên hợp đồng nêu trên không đạt chuẩn trình độ đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 thì UBND cấp huyện sẽ chuyển sang hợp đồng lao động hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị.
Đối với những giáo viên, nhân viên hợp đồng lao động khác khi có chỉ tiêu số người làm việc phù hợp với tiêu chuẩn, vị trí việc làm, căn cứ quy định tại Điều 5 của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, gửi Sở Nội vụ thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong quá trình tuyển dụng xem xét ưu tiên tuyển dụng các đối tượng đã hợp đồng lao động lâu năm, có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục, trong quá trình công tác được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Liên quan đến vấn đề tuyển dụng, Sở cũng đề nghị sau khi được UBND tỉnh giao chỉ tiêu số người làm việc trong ngành giáo dục, căn cứ cơ cấu vị trí việc làm được Sở Nội vụ thông báo, UBND cấp huyện kịp thời xây dựng kế hoạch và tiến hành tuyển dụng để có đủ giáo viên giảng dạy các môn học còn thiếu nhằm triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Trúc Chi (theo Nghệ An, Dân Trí, TTXVN)