Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XVIII, chiều nay (10/7), bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Giám đốc sở Y tế Nghệ An đã giải trình các ý kiến của đại biểu về vấn đề thiếu nhân lực ngành y tế trên địa bàn.
Theo Giám đốc sở Y tế Nghệ An, toàn ngành y tế tỉnh hiện có 19.426 nhân lực, trong đó hệ thống công lập là hơn 14.000 người (72,3%), ngoài công lập trên 5.300 người (27,7%). Riêng bác sĩ, có trên 5.000 người, chiếm 23,7%. Về nhân lực tuyến xã, hiện có 360 xã/460 xã có bác sĩ cơ hữu đang công tác. Ngành y tế điều chuyển hợp đồng hưu trí tại một số cơ sở y tế tuyến xã nên hiện còn 39 trạm y tế xã không có bác sĩ.
Về nhân lực trình độ cao, ở tuyến tỉnh, nhân lực chuyên môn có trình độ sau đại học chiếm 10,2%, đội ngũ này ở tuyến cơ sở là 5,9%. Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, đặc biệt phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu ở tuyến tỉnh, cũng như đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở.
Tổng số giường bệnh thực tế tại các cơ sở y tế hiện nay toàn tỉnh là 3.933 giường cả ở công lập và ngoài công lập. Tương ứng với quy định, 1 giường bệnh phải ít nhất có 1,2 nhân lực theo yêu cầu Thông tư 03 của Bộ Y tế, thì hiện nay, trong khối khám, chữa bệnh, điều trị, ngành Y tế Nghệ An đã thiếu khoảng hơn 5.000 nhân lực.
Cụ thể, đối với các đơn vị bệnh viện tự chủ nhóm 1 và nhóm 2 thiếu khoảng 3.800 nhân lực. Còn đối với các đơn vị tự chủ nhóm 3, nhóm 4 (chủ yếu các trung tâm y tế, trạm y tế và một số bệnh viện đặc thù) thiếu 1.448 nhân lực. Tuy nhiên, các đơn vị y tế cơ sở thuộc nhóm này vẫn phải thực hiện giảm chỉ tiêu biên chế hàng năm nên đặt ra áp lực số lượng nhân lực y tế của ngành, đặc biệt y tế cơ sở thiếu.
Thêm vào đó, từ năm 2020, nhân lực y tế chuyển khỏi khu vực công khá nhiều với khoảng 300 người, trong đó có 160 bác sĩ chuyển ra khỏi các cơ sở y tế công lập.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách để phát triển nhân lực ngành y tế, đặc biệt là chính sách thu hút bác sĩ tốt nghiệp ra trường bằng giỏi, bằng khá về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa và các đơn vị đặc thù. Địa phương này cũng có chính sách hỗ trợ đào tạo cho chức danh giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2. Riêng trong năm 2023, có 210 nhân lực y tế được đào tạo với kinh phí 9,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành y tế Nghệ An thu hút được 32 bác sĩ. Tuy nhiên, kết quả này chưa đáp ứng được yêu cầu về khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện nay.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, năm 2023, tuyển dụng tại tuyến huyện đối với đơn vị tự chủ nhóm 3, nhóm 4 chỉ đạt 46%. Đối với các bệnh viện tự chủ nhóm 1, nhóm 2, ngay cả bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện hạng 1 chỉ có 2 đơn vị tuyển dụng được 92%, còn lại ở mức trên 60%.
Nhân lực ngành y tế không đủ nên việc cử đi đào tạo nâng cao lại càng khó hơn, tạo áp lực lên những người đang làm việc. Nghệ An hiện gặp khó khăn trong tuyển dụng, thu hút nhân lực ngành Y tế, mawch dù tỉnh có những chính sách ưu đãi, riêng năm 2023 tỉnh hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng đào tạo và thu hút, trong đó có 34 trường hợp thu hút và 253 trường hợp hưởng chính sách đào tạo. Giám đốc sở Y tế Nghệ An lo lắng, nếu trong tháng 6, tháng 7, sinh viên các trường y ra trường nhiều. Nếu Nghệ An không tuyển dụng thì các địa phương khác sẽ tuyển dụng hết.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp, HĐND tiếp tục quan tâm để giúp ngành Y tế đảm bảo nguồn lực; trong đó đồng tình với ý kiến đại biểu HĐND tỉnh là nên ban hành chính sách mới thay thế chính sách cũ để thu hút và đào tạo nhân lực về làm việc tại tỉnh.