Mại dâm diễn biến phức tạp
Chương trình Phòng chống mại dâm trên địa bàn Nghệ An đã đạt được số thành quả nhất định nhưng vẫn chưa đạt được mục đích đề ra. Tệ nạn mại dâm chưa công khai thành điểm nóng, song vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi, khó kiểm soát; đối tượng bán dâm ngày càng trẻ hóa, hoạt động mại dâm ngày càng biến tướng và ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin.
Từ năm 2015 – 2020, Công an tỉnh Nghệ An đấu tranh bắt giữ 219 vụ, 625 đối tượng hoạt động mại dâm (so với giai đoạn 2011 - 2015, tăng 91 vụ, 172 đối tượng). Khởi tố, điều tra 121 vụ, 139 bị can, xử lý hành chính 98 vụ, 486 đối tượng.
Theo đó, những địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm chủ yếu ở TP.Vinh, TX.Cửa Lò; biển Diễn Thành, Hòn Câu, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu; xã Quỳnh Viên, huyện Quỳnh Lưu... và đang có chiều hướng phát triển về các khu vực giáp ranh thuộc các huyện của tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hoá và các khu công nghiệp, công trình xây dựng lớn.
Trong thời gian qua, đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp tổ chức đi kiểm tra công tác phòng, chống tệ mại dâm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Đội đã tổ chức 31 đợt kiểm tra 1.500 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ. Qua mỗi đợt kiểm tra, Đội đã hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ.
Nâng chế tài đối với hành vi mua, bán dâm
Trong tổng kết công tác phòng chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2015-2020, ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên. Theo đó, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, với nhiều hình thức biến tướng mới nên khó phát hiện để đấu tranh phòng, chống. Việc quy định và thực hiện các biện pháp phòng, chống mại dâm còn nặng về xử lý người bán dâm, chủ chứa, môi giới chứ chưa chú trọng đấu tranh và thiếu chế tài xử lý nghiêm đối với người mua dâm và các đối tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm. Mức xử phạt đối với người bán dâm còn nhẹ, chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Mặt khác chế tài xử lý nghiêm đối với người mua dâm và các đối tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh với loại hình phạm tội này. Do vậy, sau khi được thả ra, gái bán dâm lại quay về địa bàn để tiếp tục hoạt động.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống mại dâm.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, triệt phá ổ nhóm hoạt động mại dâm, các cơ sở kinh doanh dễ nảy sinh tệ nạn mại dâm. Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp. Tăng cường công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội. Lồng ghép Chương trình hành động phòng, chống mại dâm với các chương trình an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Xây dựng các mô hình tại cộng đồng nhằm hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho người bán dâm dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý, giáo dục kỹ năng sống, các dịch vụ can thiệp dự phòng, khám điều trị HIV/AIDS, chương trình điều trị Methadone cho người bán dâm có sử dụng ma túy, giúp đỡ người bán dâm giảm tổn thương do bị lừa gạt tái hòa nhập cộng đồng,…
Nghiên cứu, đề xuất Quốc hội nâng Pháp lệnh phòng, chống mại dâm thành luật Phòng, chống mại dâm; sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế một số quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về phòng, chống hoạt động mại dâm cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay như: Cần quy định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người bán dâm; Quy định biện pháp tạm giữ hành chính đối với người mua dâm và người bán dâm; Nâng mức xử phạt hành chính đối với hành vi mua, bán dâm, nhất là đối với hành vi bán dâm.