Ngày 17/4, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với ban Quản lý dự án RALG (Cơ quan phát triển Bỉ) và viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông tổ chức Hội thảo “Cải cách hành chính hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư tại Nghệ An”.
Theo tài liệu báo cáo, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An đã có bước tiến đáng kể, đạt thứ hạng 21. Tuy nhiên, chỉ số quản trị và dịch vụ hành chính công cấp tỉnh (PAPI), các chỉ số về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và tham nhũng đều không cao nên gây khó khăn cho khả năng kinh doanh và đầu tư của tỉnh.
Đặc biệt về khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, Nghệ An được đánh giá thấp nhất cả nước trong việc cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), thậm chí đứng cuối bảng xếp hạng của 63 tỉnh thành.
Điểm số về tính minh bạch trong chỉ số PCI của Nghệ An đã được cải thiện về thứ hạng qua các năm, nhưng các chỉ số thành phần vẫn thể hiện năng lực yếu kém so với những vùng miền khác. Đánh giá tính minh bạch của chính quyền Nghệ An thì có tới 75% doanh nghiệp cho rằng, cần có “mối quan hệ” để có tài liệu của tỉnh. Việc công khai minh bạch quy hoạch sử dụng đất và giá đất ở Nghệ An cũng ở mức yếu so với cả nước. Kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy Nghệ An đang là vùng trũng về công khai minh bạch quy hoạch sử dụng đất, giá đất trong khu vực.
Bên cạnh đó, yếu tố môi trường cạnh tranh bình đẳng tại Nghệ An rất thấp. Có 48% doanh nghiệp cho rằng “việc tỉnh ưu ái cho các doanh nghiệp Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân”. 81% doanh nghiệp nhận định "các nguồn lực sản xuất, hợp đồng... chủ yếu đang do các doanh nghiệp thân quen cán bộ nắm giữ”.
Tuy nhiên cũng có tới 40% doanh nghiệp được hỏi nhận định “thái độ của chính quyền tỉnh với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực”, khi đánh giá về tính năng động của chính quyền cho môi trường kinh doanh.
Trong báo cáo PAPI 2017, Nghệ An được đánh giá thuộc nhóm trung bình thấp trên cả nước và xếp cuối trong các tỉnh Bắc Trung Bộ về vấn đề kiểm soát tham nhũng. Dưới góc độ quan sát của người dân, tình trạng tham nhũng trong chính quyền và tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công vẫn ở mức cao. Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền và công bằng trong tuyển dụng cũng không được đánh giá cao.
Có 57% doanh nghiệp được khảo sát đồng ý rằng tình trạng nhũng nhiễu trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là phổ biến; 54% doanh nghiệp được khảo sát thừa nhận có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra và 13% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng tỉnh Nghệ An cần rà soát, xây dựng một số giải pháp thật sự đột phá để các chỉ số quan trọng như chi phí không chính thức, chi phí thời gian, tính minh bạch, tính năng động, thể chế pháp lý trong bộ chỉ số PCI phải đạt từ 7 điểm trở lên. Cần thúc đẩy dịch vụ công điện tử, từ đó giảm chi phí và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp; tăng cường cung cấp thông tin, minh bạch hóa quy hoạch đất đai và tăng cường đối thoại giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp về các vấn đề đất đai.
Ông Lê Xuân Đại cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan cấp tỉnh nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh nhằm thu hút sự đầu tư mạnh mẽ từ bên ngoài, phát huy nội lực, xây dựng và phát triển quê hương Nghệ An.