Theo số liệu do Liên Hiệp quốc công bố, mỗi năm số người chết vì nguồn nước ô nhiễm còn nhiều hơn số người chết do các hình thức bạo lực, bao gồm cả chiến tranh. Ở nước ta, theo công bố của trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên môi trường quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu năm 2015 thì 10 “làng ung thư” (Cờ Đỏ - Nghệ An, Yên Lão - Hà Nam, Đông Phương Yên - Chương Mỹ, Hà Nội…) có số người mắc ung thư cao nhất trong số 37 làng được phát hiện đều có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất.
Cụ thể, hơn 80% kết quả phân tích mẫu vi sinh, hơn 65% kết quả phân tích nhiễm bẩn và hơn 30% mẫu phân tích hàm lượng sắt đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Trong đó nguồn nước bị ô nhiễm được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây nên các làng ung thư.
Nước sạch là một trong những nhu cầu thiết yếu trong xã hội hiện đại. Việc sử dụng nước sạch cũng đồng thời là một nhu cầu cấp thiết cho sự sống còn và phát triển của con người.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo nguồn nước bị ô nhiễm và vệ sinh môi trường không đảm bảo có liên quan trực tiếp đến sự lan truyền của các dịch bệnh như tả, tiêu chảy, kiết lỵ, viêm gan A, thương hàn, bại liệt,…
Nước uống, nước sinh hoạt của hàng trăm triệu người trên thế giới đang bị nhiễm bẩn, chịu ô nhiễm hóa chất do việc quản lý nước thải đô thị, nước thải nông nghiệp và công nghiệp không phù hợp. Ước tính có khoảng 842.000 người tử vong mỗi năm vì nước sinh hoạt, môi trường không đảm bảo an toàn.
Con số đó hoàn toàn có thể tránh được nếu các yếu tố gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước được giải quyết triệt để, đảm bảo được nguồn nước sạch khi đưa vào sử dụng trong sinh hoạt của con người. Nhận thấy được tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe người dân, từ năm 2014 Tỉnh ủy và UBND Tỉnh Nghệ An đã luôn quan tâm đến chất lượng nguồn nước với các vấn đề cấp nước của nhân dân trong tỉnh.
Tỉnh ủy đã kêu gọi đầu tư thành công hệ thống cấp nước thô bằng đường ống kín có chiều dài hơn 22 km từ Sông Lam về cơ sở lọc nước thay thế cho hệ thống kênh mương đi qua các khu dân cư và các nhà máy công nghiệp.
Từ đó đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An ra các văn bản chỉ đạo việc dùng nguồn nước thô - đầu vào đặc biệt quan trọng trong việc sản xuất nước sạch cho người dân. Đó là Công văn số 460 CV-TU ngày 03/03/2016 của Thường trực tỉnh ủy, Các văn bản của UBND Tỉnh số 1315/UBND-TĐXD, Văn bản số 6923 UBND-CN ngày 11/9/2017, Văn bản 02/UBND-CN ngày 03/01/2019 và mới đây là Thông báo số 261/TB-UBND ngày 26/04/2019.
Trong Văn bản số 1315 “Về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường Trực Tỉnh ủy”, UBND Tỉnh nêu rõ: “Ngừng ngay việc bán nước thô đang bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh từ sông Đào”; Văn bản số 6923 UBND Tỉnh gửi Công ty Cấp nước Nghệ An với trích yếu: “Về việc yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc sử dụng hoàn toàn nguồn nước thô từ Sông Lam thay thế nguồn nước từ sông Đào để sản xuất nước sạch phục vụ nhân dân TP.Vinh và các vùng phụ cận”.
Văn bản này đã nhấn mạnh: “UBND Tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An tháo, cắt điện vận hành các trạm bơm trước ngày 15/09/2017 để người dân tiêu thụ nước sạch trên địa bàn yên tâm sử dụng nước theo đúng cam kết”.
Sau loạt phóng sự về việc Nhà máy nước sạch bị tẩy chay vì lấy nước từ kênh bẩn tại huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh, tương tự vậy ở tỉnh Nghệ An, với hệ thống thiết bị, công nghệ lắng lọc hiện có của công ty CP Cấp nước Nghệ An, các thành phần ô nhiễm, độc hại chứa trong phân hữu cơ hay hóa chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cũng không thể tách lọc khỏi sản phẩm “nước sạch” sau lắng lọc nếu nguồn nước thô bị ô nhiễm, đặc biệt các dịch bệnh H5N9 - sán lợn - dịch tả lợn châu phi hoành hành như hiện nay.
Sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An về việc sử dụng nguồn nước thô đảm bảo chất lượng là hết sức rõ ràng và quyết liệt nhằm bảo vệ sức khỏe của nhân dân tỉnh Nghệ An và cần được hoan nghênh, nhân rộng trên toàn quốc vì một cộng đồng khỏe mạnh, vì một Việt Nam không còn bệnh tật bởi nước sinh hoạt ô nhiễm...
P.V