Ngày 14/12, ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) xác nhận, đã gửi tờ trình gửi Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Nghệ An xin thành lập hội đồng thẩm định cổ vật mà người dân phát hiện được vào ngày 26/11 vừa qua.
“Ở Nghệ An chưa có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đủ tiêu chuẩn để xác định nguồn gốc của vật nghi ấn tín. Tất cả những ý kiến từ trước đến nay đều chỉ mang tính tham khảo, phải có những chuyên gia về cổ vật trực tiếp về tại Nghệ An để đánh giá thực tế xem đây là thật hay giả”, ông Thanh nói.
Ông Thanh thừa nhận, việc thành lập hội đồng thẩm định rất tốn kém, nhưng nếu đồ thật thì giá trị lịch sử sẽ vô giá. Vì vậy, sở mới xin UBND tỉnh cùng Bộ VH-TT&DL phối hợp để đưa ra kết luận cuối cùng về hiện vật nghi ấn tín của vua.
Theo Luật di sản văn hóa năm 2010, các thành viên hội đồng thẩm định sẽ gồm thành viên hội đồng thẩm định cổ vật quốc gia, cán bộ Bảo tàng tỉnh, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính.
“Bởi vì chưa thể khẳng định nên mới phải lập hội đồng. Nhưng hiện sở chỉ mới gửi tờ trình, dự kiến việc này phải đến tháng 1/2017 mới hoàn thành. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo cho các cá nhân, tổ chức biết”, ông Thanh chia sẻ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Kiếm, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cũng cho biết, chưa có cơ sở khoa học khẳng định hiện vật là thật hay giả. Đơn vị cũng đã gửi báo cáo cho Sở VH-TT&DL. Hiện, vật nghi ấn tín của vua vẫn đang được niêm phong, để trong kho của Bảo tàng.
Trước đó, vào ngày 26/11, bà Nguyễn Thị Khương và bà Nguyễn Thị Đông (đều trú ở xóm 4, xã Nghi Lâm) rủ nhau vào đồi Khe Gỗ (xóm 5, xã Nghi Lâm) hái rau má.
Tại đây, cả 2 bà đã phát hiện một vật kim loại. Thấy vật lạ, bà Khương cầm lên đem ra khe rửa sạch thì phát hiện trên đó có khắc hình con rồng. Vì vậy, bà đã đưa về cho cả nhà tìm hiểu. Qua quan sát, vật thể lạ này được làm bằng kim loại, màu đen, vàng. Bao quanh có 9 đầu rồng, nặng khoảng 1,6 kg, mặt trước và mặt dưới có dòng chữ Hán.
Biết tin gia đình bà Khương phát hiện vật thể nghi ấn vua, rất đông người dân địa phương tập trung đến để chiêm ngưỡng và xin được chạm vào ấn Vua đề cầu may. Sau khi bàn giao cho chính quyền xã Nghi Lâm, lực lượng chức năng cũng đã phải bỏ vào két sắt và cắt cử công an canh giữ 24/24 để đảm bảo an toàn.
Việc người dân vô tình đào được ấn tín của vua tại Nghệ An cũng đã khiến nhiều người nghi ngờ. Rất nhiều người nhận định, đây là “hàng nhái” được ai đó chôn dưới đất với mục đích huyền bí hóa cổ vật, bởi vật được phát hiện dưới đất sẽ có giá trị hơn, nhưng bất ngờ bị hai người dân đi hái rau má phát hiện được.
Anh Ngọc
Xem thêm video: