Liên tiếp phát hiện trường hợp nhiễm vi khuẩn
Ngày 22/9, Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân nhi 7 tuổi, trú tại xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An nhập viện trong tình trạng sốt cao, sưng đau vùng dưới mang tai.
Tuy nhiên, qua tiến hành khám, theo dõi và kết quả các xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị nhiễm vi khuẩn Whitmore - người dân còn gọi vi khuẩn ăn thịt người. May mắn, do cháu được phát hiện kịp thời, khi chưa xuất hiện hiện tượng hoại tử da, nên sau khi điều trị theo đúng phác đồ, đến nay tình trạng bệnh của bệnh nhân nhi này đang tiến triển tốt.
Theo các y bác sĩ thì đây là trường hợp thứ hai được phát hiện tại khu vực Tây Bắc. Mặc dù đây là bệnh nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể điều trị tại bệnh viện nếu phát hiện và chữa trị kịp thời.
Trước đó, từ đầu tháng 9/2019, bé H.B.L. (8 tuổi), trú huyện Nghĩa Đàn bất ngờ đau ở vùng má. Gia đình đưa bé L. đi kiểm tra ở bệnh viện tuyến huyện và được các bác sĩ chẩn đoán bị bệnh quai bị.
Bé L. sau đó được cho uống thuốc và điều trị theo bệnh quai bị. Tuy nhiên, sau nhiều ngày uống thuốc mà không đỡ, các bác sĩ kiểm tra lại thì chẩn đoán cháu bé bị áp xe viêm mang tai và được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Ngày 13/9, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận điều trị cho cháu L. Sau khi xét nghiệm máu, cấy mủ thì phát hiện bé L. mắc chứng bệnh Whitmore. Sau khi phát hiện bệnh, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, điều trị bé L. theo đúng phác đồ. Hiện sức khỏe bé L. đã ổn định và vẫn đang tiếp tục được điều trị tại Khoa Răng Hàm Mặt của bệnh viện.
Bệnh có thể chữa được
Bác sĩ Trần Văn Cương, Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, trong 3 bệnh nhân nhập viện do mắc bệnh Whitmore đang chữa trị tại bệnh viện, 1 bệnh nhân sức khỏe ổn định, đã xuất viện về nhà.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore, các bác sĩ của bệnh viện đã chủ động dùng kháng sinh Meropnen tiêm vào tĩnh mạch, đồng thời kết hợp với nhiều loại kháng sinh khác. Tuy nhiên, vi khuẩn Whitmore rất nhạy cảm nên cần điều trị dài ngày hơn so với loại vi khuẩn khác.
Ts.Bs Đậu Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, từ năm 2017 đến nay, tại Nghệ An đã có 9 ca mắc chứng bệnh này và đã chữa khỏi. Thời gian gần đây, có 4 bệnh nhận điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đã có 2 bệnh nhân ra viện, 2 bệnh nhân còn lại đang tiến triển tốt.
Theo bác sĩ Hoàn, loại vi khuẩn này kí sinh trùng trên cơ thể người và có thể làm hoại tử mô mềm. Đây không phải căn bệnh lạ, mà đã được phát hiện cách đây gần 100 năm, do bác sĩ người Anh tên là Whitmore phát hiện, vì vậy bệnh này mang tên ông.
Loại vi khuẩn gây bệnh whitmore thường tồn tại ở những môi trường ẩm thấp, những vùng thường hay ngập úng và phổ biến vào mùa mưa bão, nhưng bệnh không gây thành dịch. Điều cơ bản, muốn chữa trị được căn bệnh này phải định danh được nguồn gây bệnh từ đâu.
Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh, tuy nhiên biện pháp điều trị cơ bản nhất vẫn là dùng kháng sinh đúng phác đồ điều trị. Muốn đề phòng căn bệnh này, chúng ta phải làm tốt công tác vệ sinh môi trường; giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt khi có tổn thương cơ thể hay có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì phải đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Tường Vy