Tiêu diệt châu chấu làm thức ăn gia cầm
Ngày 5/6, ông Lê Viết Quý, Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương đang triển khai các biện pháp để diệt trừ đàn châu chấu với số lượng hàng chục triệu con đang hoành hành ở xóm 7, xã Nghĩa Bình.
“Để diệt đàn châu chấu này, tại các khu vực rừng mét, tre, chính quyền địa phương sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc. Đến thời điểm hiện tại số lượng, mật độ đàn châu chấu đã giảm, địa phương tiếp tục khoanh vùng để tiêu diệt đàn châu chấu này”, ông Quý nói.
Tuy nhiên, việc phun thuốc diệt châu chấu cũng gặp một số khó khăn khi diện tích lớn, đàn châu chấu di cư nhanh. Vì vậy, trong các khu vực vườn, ruộng nhà dân thì dùng các phương pháp thủ công để bắt, tiêu diệt.
Để tiêu diệt châu chấu, người dân đã rủ nhau đi bắt về bán, phơi khô làm thức ăn cho gia cầm. Trên một vườn cỏ sữa khoảng 2 sào, mỗi đêm có gần chục người dân đi chao vợt bắt châu chấu.
Anh Lương Văn Thanh (43 tuổi, trú xóm 7) cho biết: “Ban ngày, châu chấu nhảy liên tục nên khó bắt hơn, về đêm châu chấu chỉ nằm im nên dễ bắt. Vì những vườn cỏ sữa, ngô làm thức ăn cho vật nuôi không thể phun thuốc nên cách bắt thủ công là phương pháp hữu hiệu để làm giảm số lượng châu chấu và ngăn chúng di cư ra các vùng khác”.
Theo cán bộ chuyên môn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết, châu chấu đang gây hại ở xã Nghĩa Bình là loại châu chấu lưng vàng hại tre. Loại châu chấu lưng vàng hại tre này chủ yếu sống trên rừng tre, mét, nứa, chúng ăn trụi lá làm cho cây trơ cành, khô héo và chết. Khi hết thức ăn chúng sẽ di chuyển đến phá hại trên các cây trồng khác như ngô, mía, cỏ chăn nuôi...
Châu chấu thường thích đẻ trứng ở đất ẩm, xốp, có nhiều cỏ dại, nhiều ánh nắng, thích đẻ trên đất cát pha. Châu chấu có tuổi đời khoảng 200 - 210 ngày. Trong đó, thời kỳ trứng: 15 - 21 ngày, thời kỳ sâu non: 100 ngày, thời kỳ trưởng thành khoảng 3 tháng.
Châu chấu dịch chuyển thành đàn, cả con đã phát triển hoàn chỉnh và con non đều gây bệnh. Chúng gặm cả lá non và lá già, làm khuyết từng mảng hoặc thủng lá, lá bị hại nặng còn trơ lại gân lá.
Khi dịch chuyển thành đàn lớn chúng gây thành dịch, có thể gây thiệt hại tất cả ruộng ngô, lúa hoặc hoa màu cả vùng. Châu chấu xuất hiện cả năm và cũng phụ thuộc vào số lượng mà có thể gây nên tác hại lớn hay nhỏ. Chúng hoạt động mạnh vào lúc trời mát mẻ thường từ 7 - 10 giờ sáng và 3 - 5 giờ chiều.
Cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện ổ châu chấu
Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho hay, trước đây nạn châu chấu lưng vàng hại tre xuất hiện nhiều tại một số địa phương ở Anh Sơn, Con Cuông và Tân Kỳ.
Tuy nhiên, mấy năm nay ở huyện Anh Sơn và Con Cuông đã giảm hẳn, chỉ còn xuất hiện nhiều ở một số điểm của xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ.
Để chủ động trong công tác phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do châu chấu tre lưng vàng gây ra, ông Nguyễn Tiến Đức khuyến cáo: Bà con thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm ổ châu chấu mới nở, còn co cụm mật độ thấp. Khi đó, bà con sử dụng vợt thủ công để bắt châu chấu.
“Bà con có thể sử dụng loại châu chấu lưng vàng hại tre này làm nguồn thức ăn cho ngan, vịt, gà là rất tốt; hoặc tiêu hủy bằng cách đào hố đổ châu chấu vào, sau đó rắc vôi bột và chôn lấp”, ông Nguyễn Tiến Đức cho hay.
Khi châu chấu tre lưng vàng đã phát triển mạnh, bắt đầu gây hại trên diện rộng, cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc dụng và phun bằng máy chuyên dùng để khoanh vùng, phun cuốn chiếu từng khu vực để tiêu diệt, tránh chúng phát tán gây hại trên diện rộng. Nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát và phun từ cao xuống thấp, bởi đây là thời điểm châu chấu tre lưng vàng ít di chuyển, thường tập trung gây hại trên cây trồng.
Đối với các địa phương chưa phát sinh châu chấu tre lưng vàng gây hại cần tăng cường điều tra, theo dõi, dự báo khả năng phát sinh, phát triển của châu chấu tre lưng vàng để chủ động phương án phòng, chống kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng của bà con.