Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công cuối năm
Ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa ký ban hành Công văn số 11173/UBND-KT yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Theo số liệu giải ngân của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư công tập trung mới giải ngân 4.653,403 tỷ đồng, đạt 65,05% kế hoạch; trong đó: kế hoạch năm 2023 đạt 65,12%; kế hoạch năm 2022 đạt 64,79%.
Một số đơn vị cấp huyện, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt khá (trên 75%) như: Nam Đàn, Hoàng Mai, Thanh Chương, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Nghệ An, Công ty TNHH thủy lợi Tân Kỳ, Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Bắc Nghệ An.
Tuy nhiên, một số đơn vị tỷ lệ giải ngân còn thấp như: Sở Y tế, Trường Cao đẳng Việt - Đức, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, Trường THPT Mường Quạ, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An.
Đối với 2 dự án trọng điểm, liên vùng: Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7 – Km76 đến ngày 20/11 đã giải ngân 680,244 tỷ đồng, đạt 81,96%. Dự án Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (giai đoạn 2) đến ngày 20/11 đã giải ngân 90,938 tỷ đồng, đạt 33,07%.
Trong đó, dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn - Cửa Lò có tổng chiều dài toàn tuyến 64,47km, với tổng mức đầu tư 4.651 tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân khách quan là thời tiết mưa, nguồn vật liệu, thiết bị máy móc khó huy động, công tác giải phóng mặt bằng một số đoạn bàn giao chưa đảm bảo theo kế hoạch thì có nguyên nhân chủ quan là do còn một số nhà thầu vẫn chưa tập trung, quyết liệt trong công tác huy động thiết bị, nhân lực, tài chính, như Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung cho đến cuối tháng 11/2023 giá trị thực hiện hợp đồng chỉ đạt 24,7%.
Theo lý giải của Giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An Phạm Hồng Quang, tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến xác định đơn giá đền bù, xác định nguồn gốc đất, xây dựng hạ tầng tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ giải phóng mặt bằng… làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn.
Mặc dù UBND tỉnh đã đốc thúc, chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên, một số chủ đầu tư, một số đơn vị cấp huyện, cấp xã vẫn còn chậm lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành để tất toán dự án theo quy định…
Tháng 9/2023 vừa qua, Nghệ An cũng đã thành lập tổ công tác cấp phòng để hỗ trợ các chủ đầu tư giải ngân chậm. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết và cam kết tiến độ giải ngân từng dự án, nhất là các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung toàn tỉnh rà soát và báo cáo cụ thể tiến độ 10 ngày 1 lần; tiếp tục thực hiện thông báo giải ngân 10 ngày 1 lần đến các chủ đầu tư.
Tăng tốc để đạt mục tiêu giải ngân 95%
Do thời gian giải ngân kế hoạch năm 2023 không còn nhiều, trong khi số vốn chưa giải ngân còn khá lớn, vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt tối thiểu 95% kế hoạch giao.
Trong đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.
Tăng cường kiểm tra, giám sát; tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ công tác chỉ đạo, thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công; xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên triển khai thực hiện, nhất là những công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, có tính lan tỏa cao,…
Yêu cầu các Giám đốc Sở; Thủ trưởng ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm (đặc biệt là về đất đai, tài nguyên, nguyên vật liệu, bãi đổ thải…); cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, thiết kế, đấu thầu; đẩy nhanh tiến độ thi công, thủ tục thanh, quyết toán… Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đầu tư công, nhất là trong công tác thẩm định, kiểm soát chi; đồng thời, tăng cường hậu kiểm.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; công bố công khai kết quả giải ngân các Sở, ban, ngành, chủ đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Giao Kho bạc Nhà nước tỉnh chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các huyện, thành phố, thị xã kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đặc biệt qua hình thức dịch vụ công trực tuyến. Sở Xây dựng thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng phù hợp với diễn biến giá thị trường.