Thuộc ngành y tế, nhưng bác sĩ thú y có lẽ là nghề “khát” nhân lực nhất thời điểm hiện tại. Có nhiều khó khăn khiến nhiều người “ngại” theo ngành này, tỉ lệ tuyển sinh vào năm 2022 chỉ chiếm 0,51% và thuộc 5 nhóm ngành thấp nhất hiện nay.
Nhu cầu nhân lực lớn cũng mở ra nhiều cơ hội cho những ai đang theo đuổi nghề bác sĩ thú y, nói về cái nghề đặc biệt này anh Hoàng Văn Hà – Bác sĩ Thú y, Giám đốc Công ty CP Bệnh viện thú y Pethealth trải lòng với Người Đưa Tin (NĐT): “Bác sĩ thú y là nghề giàu có về tình cảm”.
Học bác sĩ thú y là bị cười
NĐT: Với nhiều người, khi đến với bất kỳ một công việc nào đều xuất phát từ một niềm đam mê, hay một định hướng có sẵn của gia đình, vậy với anh lý do gì lại chọn trở thành bác sĩ thú y?
Anh Hoàng Văn Hà: Cũng không phải là câu chuyện gì đặc biệt, tôi xuất thân con nhà nông, nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào chăn nuôi heo, vịt, gà.
Mọi người nghĩ làm nông là dễ nhưng không phải, tôi nhớ hồi mình còn trung học, chờ mãi đến ngày bán lứa heo thì chúng mắc bệnh, chết rất nhiều. Vì làm mô hình nhỏ, nên khi gặp phải bệnh thì nguồn kinh tế của gia đình cũng đi xuống.
Thời điểm đấy không như bây giờ, ở quê tôi không có ai làm bác sĩ thú y, chỉ có người học trung cấp nhưng chữa bệnh không hiệu quả, tốn khá nhiều tiền thuốc nhưng không khỏi. May mắn, cuối cùng được mọi người mách một bác sĩ giỏi trên thị trấn, cách nhà 10 km lúc đó đàn heo mới được cứu.
Xuất phát từ đó, đã thôi thúc tôi học ngành thú y để giúp bố mẹ, cũng như người dân quê mình.
NĐT: Vậy học làm bác sĩ chữa bệnh cho thú có khác gì có với khác ngành khác?
Anh Hoàng Văn Hà: Thời đấy nếu học thú y là bị các bạn cười vì người ta chọn học kinh tế, kế toán chứ không ai chọn ngành này cả. Nhưng 5 năm học trong Trường Đại học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện nay) với tôi là vô cùng ý nghĩa.
Cũng giống như các bạn cùng trang lứa, khoảng 2 năm đầu chúng tôi được học lý thuyết về ngành sang năm thứ 3 thì được thực hành nghề.
Ở trường lúc đó có trung tâm thú y rất lớn giờ là bệnh viện thú y có đầy đủ trang thiết bị để sinh viên được thực hành, thầy cô của chúng tôi vừa là thợ vừa là thầy, họ là những người hằng ngày trực tiếp chữa bệnh nên có rất nhiều kinh nghiệm truyền đạt cho sinh viên.
Chữa bệnh cho thú thì có thể chia ra như gia súc, gia cầm, thuỷ sản, vật nuôi nhưng tôi được học về tất cả các con vật, mỗi con sẽ là những môn học khác nhau. Học thì nhiều con nhưng chỉ đến năm 3, bản thân tôi đã tự định hướng cho mình chữa bệnh cho chó và mèo và cũng phải đi theo thầy cô để học sâu thêm rất nhiều, tích luỹ kiến thức trước khi ra trường.
Nhìn lại việc học của mình thời đó, tôi nghĩ so với nhiều người cũng không quá nổi bật, nhưng lúc đó tôi khá năng nổ khi tham gia câu lạc bộ của trường. Và đến sau này tôi vẫn khuyên các thế hệ sau của mình cũng nên như vậy, các câu lạc bộ tình nguyện hay Vmclub (câu lạc bộ chuyên ngành thú y) đã giúp cho tôi rèn luyện được tính tự tin, nhất là tạo môi trường cho sinh viên thực hành, rèn luyện kỹ thuật.
NĐT: Tại sao cảm hứng học nghề là từ con heo, con vịt nhưng khi làm nghề anh lại quyết định chọn chữa bệnh cho chó, mèo?
Anh Hoàng Văn Hà: Đó là bước ngoặt của bản thân tôi. Tôi có cơ duyên gặp người sếp hiện tại, lúc đó tôi đang là sinh viên năm thứ 3. Tôi bắt đầu từ những việc đơn giản như chăm sóc cho chó, mèo ăn uống và vệ sinh, tắm cho các bạn ấy. Dần cũng được sếp định hướng và bản thân cũng có sự yêu thích nên tôi chọn đi theo hướng này, theo đến nay cũng đã được 10 năm.
NĐT: Vậy trong 10 năm đó, có khi nào anh cảm thấy hối hận về lựa chọn nghề của mình?
Anh Hoàng Văn Hà: May mắn là không, dù bây giờ đã làm quản lý, nhưng có lẽ bác sĩ chữa bệnh cho các bạn thú cưng đã ăn sâu vào máu của tôi.
Làm nghề bác sĩ thú y cũng có những nguy hiểm riêng, cũng sẽ có những “tai nạn” trong quá trình làm việc và rất vất vả. Nếu vào mùa bệnh thì luôn phải trong tâm lý đêm hôm sớm tối sẵn sàng làm việc, đã có thời điểm ngày tôi làm việc 20 tiếng.
Để vượt qua những điều đó tôi nghĩ chỉ có thể là lòng yêu nghề, yêu con vật mà mình chữa bệnh. “Yêu” ở đây là lúc nào cũng đau đáu, suy nghĩ về nó, đặt tâm huyết vào nó để ra quyết định chính xác. Chứ nếu ngại khó, ngại bẩn thì khó làm được nghề.
Nhưng đây cũng là nghề đòi hỏi phải luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng, trình độ, thường xuyên chịu khó đọc sách, tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn để có thêm kiến thức giải quyết ca bệnh bởi bệnh sẽ luôn biến đổi chứ không lặp lại từ năm này sang năm khác.
Sống với nghề bằng sự trung thực
NĐT: Làm nghề với quãng thời gian không hề ngắn, chắc không ít lần anh cũng gặp phải “tại nạn” nghề nghiệp, vậy có kỷ niệm nào làm anh nhớ nhất?
Anh Hoàng Văn Hà: Cũng có nhiều. Nhưng có một trường hợp cũng là động lực để tôi phát triển sau này.
Thời điểm năm 2014, khi vẫn còn vừa học vừa làm bác sĩ phụ được tiếp nhận chăm sóc một “bạn” chó setter có giá trị lớn được gửi lại bệnh viện do chủ nhân phải đi công tác.
Khoảng 15 ngày đầu tiên thì không có chuyện gì xảy ra, nhưng sau đó do kinh nghiệm chưa có nên đã vô tình làm bạn ý bị lây nhiễm bệnh care virus – bệnh cực kỳ nguy hiểm trên chó. Khi mắc bệnh này thì tỉ lệ chết rất cao.
Sau khi biết, tôi cũng gọi ngay cho chủ nhân của chú chó và trung thực trao đổi tình hình và nhận mình là người làm cho bạn ý mắc bệnh. Lúc đó, tôi biết họ rất buồn nhưng chỉ nói cố gắng hết sức giúp cho chú.
10 ngày sau thì “bạn” ý không qua khỏi, cảm xúc lúc đó là vừa sợ, vừa dằn vặt bản thân, bởi dù tình yêu của mình có nhưng lại không đủ chuyên môn. Chưa nói đến giá trị của chú chó, sự việc cũng gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của trung tâm khi để một trường hợp ngớ ngẩn xảy ra. Tôi cũng nghĩ đến trường hợp xấu nhất là phải đi làm để trả nợ dần.
Điều bất ngờ là khi gặp, chủ của chú chó chỉ vỗ vai tôi và nói “cố lên con trai, chú tin sau này cháu sẽ là làm được”.
Quả thực nghe xong câu đó tôi vừa vui sướng và vô cùng biết ơn khi được khách hàng hiểu, tha thứ và nó cũng là niềm động lực, bước ngoặt cho sự nghiệp sau này. Nếu lúc đó, bị bắt đền chắc có lẽ bây giờ tôi cũng không phải làm bác sĩ thú y như bây giờ.
Sau này tôi cũng tâm niệm kể cả có khó khăn nhưng mình trung thực, làm bằng cái tâm thì người đó sẽ tạo điều kiện giúp đỡ mình.
NĐT: Ở góc độ nhà tuyển dụng, đối với nghề bác sĩ thú y việc có kinh nghiệm có phải là yêu cầu cần có có sinh viên khi đi xin việc? Theo anh, những điểm mạnh, hạn chế của các em mới ra trường hiện nay là gì?
Anh Hoàng Văn Hà: Chỉ tính riêng Hà Nội phải có hàng trăm các cơ sở trung tâm, bệnh viện thú y nên khi tuyển dụng doanh nghiệp yêu cầu kinh nghiệm là đúng. Tất nhiên có kinh nghiệm cũng sẽ chỉ là một trong những điểm cộng nhưng nó cũng phần nào thể hiện sự năng động của các bạn.
Các em có thể tham gia thực tập ở các bệnh viện để học nghề, có định hướng theo con vật gì từ sớm để có lựa chọn đúng tránh việc học một con ra trường lại chữa bệnh cho một con vật khác.
Qua phỏng vấn tuyển dụng thì tôi thấy thường có 2 nhóm khi đi xin việc, có bạn hy sinh để nhận kết quả, nhưng có em thì xem kết quả để làm hay không.
Nhóm thứ nhất, chỉ cần được có công việc và các em có mục tiêu rõ ràng, kế hoạch từng năm sẽ phải làm gì và sẵn sàng nhận việc dù có mức lương khởi điểm thấp.
Nhóm thứ 2 đòi hỏi quyền lợi khi chưa làm được gì, chưa biết năng lực các bạn đến đâu nhưng bạn đòi hỏi quá nhiều thứ, điều đấy là đúng nhưng nhiều em không biết định vị bản thân đang ở đâu, ảo tưởng, nghĩ thị trường cần mình.
Nếu so sánh, nhóm 1 dù có trình độ thấp hơn nhưng vẫn thăng tiến nhanh hơn, bạn nhóm 2 thường có xu hướng nhảy việc liên tục. Đối với ngành này nếu nhảy việc liên tục sẽ hổng kiến thức và làm việc không hiệu quả.
NĐT: Người ta thường nghĩ làm bác sĩ sẽ có mức lương rất cao, điều này có đúng không, thưa anh?
Hoàng Văn Hà: Nghề này rất giàu với những người thực sự tâm huyết với nghề, giàu ở đây không phải là tiền mà là giàu có về tình cảm. Bản thân tôi cũng được rất nhiều khách hàng yêu quý tin tưởng, luôn có tình cảm đặc biệt với các bạn chó, mèo.
Nói về thu nhập đối với người thực sự cố gắng chắc chắn sẽ đủ sống với mức lương trung bình cho bác sĩ có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên khoảng 10-15 triệu đồng.
Ở bệnh viện chúng tôi vừa làm bác sĩ vừa có thể làm nhà đầu tư, cơ hội rất mở nhưng để có được thì phải yêu nghề và gắn bó. Nếu yêu nghề bạn sẽ giàu có về nhiều thứ chứ không chỉ là tiền bạc.
Chúng ta là đất nước nông nghiệp nên chọn con gì làm nghề cũng có thể thành công. Nhưng nếu các bạn đứng núi này trông núi nọ sẽ rất khó.
NĐT: Xin cảm ơn sự chia sẻ của anh!.