Nghề bán báo dạo xuất hiện ở Sài Gòn từ khá sớm. Trước năm 1975, Sài Gòn có khoảng trên 30 tờ nhật báo và hơn 10 tờ báo tuần, bán nguyệt san, tạp chí. Từ quãng thời gian đó, qua những thước phim tái, lâu lâu lại thấy xuất hiện một nhân vật bán báo rong. Họ là những cậu bé, những thanh niên nghèo khổ, tay ôm xấp báo, miệng rao những tin tức nóng sốt, chân chạy khắp các nẻo đường. Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc trên khắp các con phố Sài Gòn thời bấy giờ.
Họ mong có thật nhiều ngày nắng để bán được báo
Thậm chí những đứa trẻ bán báo dạo còn có sáng kiến “giật tít” miệng gây ấn tượng. Họ tường thuật ngắn đề cập đến nội dung bài báo, kích thích sự tò mò của độc giả. Trong đó, chủ yếu là vụ án, điều tra, phóng sư mang tính thời sự và chắc chắn ăn khách. Cách tiếp thị báo này của dân bán báo dạo Sài Gòn rất độc đáo và đầy hiệu quả.
Từ những năm đầu thế kỷ 21 trở lại đây, hình ảnh những cậu bé bán báo dạo nhảy chân sáo trên đường ít dần đi. Thay vào đó là một lớp người mới, họ từ miền Trung vào, miền Tây lên, tập hợp lại thành những phường bán báo dạo, chen chân khắp các đường phố TP.HCM rộng lớn này. Họ có thể là trẻ con, là người lớn, thậm chí là những ông bà già. Họ có thể là đàn ông, là phụ nữ, bất kể tuổi tác, bất kể giới tính.
Nhưng có một điểm chung, họ đều là những người dân nhập cư nghèo khổ mới chọn cái nghề nhọc nhằn này mưu sinh. Bởi từ 3 - 4 giờ sáng họ đã phải thức dậy đi lấy báo, rồi tranh thủ đi bán cho kịp giờ buổi sớm. Chậm trễ một chút là báo mình bán sẽ không có khách mua. Trong thời buổi làm ăn khó khăn này, khi mà người dân đã có thói quen đọc báo mạng thay cho báo giấy, nghề bán báo dạo bị cạnh tranh bởi những sạp báo bên lề đường. Những người bán báo dạo ngày ngày phải đi bộ len lỏi khắp các khu bến xe, công viên, quán cà phê vỉa hè, v.v… để bán.
Với những người làm nghề này, họ mong ngày nắng nhiều hơn mưa. Bởi ngày nắng thì họ mới bán được nhiều báo. Mới hy vọng đến 2 - 3 giờ chiều có thể về căn phòng trọ tồi tàn của mình mà nghỉ ngơi sau một ngày mưu sinh vất vả. Họ mong không phải lang thang trên đường đến khuya với xấp báo trên tay. Trung bình mỗi ngày một người bán được khoảng 70 - 80 tờ báo. Mỗi tờ lãi 1000 đồng. Nhưng hôm nào bán ế, trên tay còn khoảng 20 tờ thì chỉ được trả cho chủ đại lý 10 tờ, còn phải ôm 10 tờ là mất đứt vài chục ngàn đồng vốn, xem như ngày ấy không có lãi. Cũng có nghĩa, bữa cơm chiều hôm đó của họ sẽ chỉ ăn cho qua ngày chứ không thể tươm tất.
Nhưng cũng ngay trên cái đất Sài Gòn này, có người nhờ bán báo dạo mà cuộc sống bớt khó khăn hơn trước. Vì nếu đem so sánh với nghề làm nông ở quê thì cái nghề bán báo dạo này luôn được coi là nghề đỡ vất vả hơn, thu nhập lại cao hơn. Chính bởi thế mà ngày nay, nhiều nơi cả làng cùng rủ nhau lên thành phố bán báo dạo. Trong một làng thì nhiều gia đình cả nhà vợ chồng, con cái cùng hành nghề bán báo dạo. Vì vậy, dù vất vả, dù mỗi ngày nơm nớp lo báo ế nặng tay, nghề bán báo dạo vẫn là lựa chọn của không ít phụ nữ, trẻ em và những người cao tuổi. Với không ít người nó như một cái nghiệp, theo họ đến suốt đời.
Trong mỗi buổi sớm của Sài thành, không ít người vừa nhâm nhi ly cà phê vừa chờ người bán báo dạo quen đi ngang để mua một tờ báo. Cũng không ít câu chuyện cảm động về tình người bắt nguồn từ đó. Như câu chuyện về ông đại gia, cứ sáng sáng lại mua một tờ báo của hai đứa trẻ bán báo rong ở quán cà phê vỉa hè quen thuộc. Hôm nay ông mua của đứa này, ngày mai ông mua của đứa khác. Và cứ tờ báo ông mua của đứa này thì đọc xong ông lại giữ cẩn thận để đưa cho đứa kia đi bán tiếp. Ngày nào cũng thế như một quy định bất thành văn mà ba người ngầm hiểu với nhau.
Mỗi ngày, khi mà những ngọn đèn đường ban đêm còn chưa kịp tắt, họ lại mang xấp báo trên tay, trở thành người đem tin tới mọi ngóc ngách, khắp đường phố của Sài Gòn.
Hương Lam