"Nghề" bán máu trên đất Sài thành

Thứ 6, 28/12/2012 00:03

Khi đến các bệnh viện ở TPHCM tìm hiểu về những người đi bán máu thì cảm xúc lẫn lộn dâng trào, vừa buồn vừa thương cho số phận của họ.

Cùng đường mới phải đến đây

Đó là câu nói của một người đàn ông đội cái mũ két cáu bẩn ngồi lúp xúp nơi hành lang để chờ đến lượt mình. Nghe giọng tôi đoán ông là người Nam Định, bởi ông không nói quê, ông chỉ nói ông người Bắc. Cả gia đình 4 người vào đây còn 2 đứa nhỏ ở quê gửi bà nội chăm nom học hành.

Cả nhà thuê một cái phòng hai gác nhỏ xíu dưới Thủ Đức. Con ông 2 đứa lớn đi làm công nhân, vợ chồng ông bán rau ngoài chợ cũng chắt chiu đủ để sống gọi là ổn định, nhưng đùng một cái vợ ông bị bệnh ung thư vú, tiền gom góp để dành cũng hết, bà nội ở quê gọi điện thoại vào nói gửi tiền ra nuôi hai đứa nhỏ ăn học. Ông giấu vợ con đi đến bệnh viện hỏi thủ tục để bán máu.

Ông nghe đâu được hơn hai trăm ngàn đồng một lần nên thẫn thờ nói: "Tui tưởng được một triệu cơ, bán máu mà rẻ quá cô nhỉ? Thế này thì không đủ tiền gửi ra, nhưng...". Ông bỏ lửng câu nói, kéo cái mũ xuống chấm chấm vào mắt, vờ như lau mồ hôi bởi sợ tôi thấy giọt nước mắt của ông.

Phía sau ông là một cô gái rất mảnh dẻ, có vẻ như là sinh viên cũng lóng ngóng hỏi tôi về các thủ tục bán máu, tôi nói mình chưa biết. Cô rụt rè đưa chứng minh nhân dân bảo tôi đăng ký giùm cô luôn. Tôi cầm chứng minh mới biết cô tên H.P.L quê ở Tiền Giang, đang là sinh viên trường Nông Lâm. L nói cô đang học năm cuối, giờ ba mẹ ở quê cũng "đuối" lắm rồi khi đã nuôi cô 3 năm.

Nhà cô không có thu nhập gì ngoài mấy công ruộng, mấy năm trước có chị gái bán cà phê còn phụ vào chu cấp được, nhưng giờ chị vừa lấy chồng, ba mẹ thì không lấy đâu ra. Nhưng rồi, nhìn cô thất thểu đi về mà tôi cảm thấy xót xa thay cho cô sinh viên nghèo ăn uống kham khổ đến nỗi thiếu máu mà không biết lại đi bán máu...

Những người có thâm niên

Tôi không muốn gọi bán máu là một nghề, bởi nghe nó quá đau đớn và xót xa, nhưng với những người bán máu "chuyên nghiệp" thì họ cũng quen đi. Theo như ông Tin thì "nhà tui nghèo quá, bán máu phụ cho vợ trang trải cuộc sống, còn hơn là làm việc xằng bậy".

Ông có 6 đứa con, hai cha mẹ già trên 80 tuổi vẫn sống chung dưới một căn nhà trọ bằng lá ở huyện Bình Chánh. Ngày ngày vợ ông gánh tàu hủ bán còn ông bán bột chiên, đứa con lớn làm công nhân đứa nhỏ ở nhà, có 2 đứa con trai sinh đôi 17 tuổi thì quậy phá thấu trời, bỏ đi biệt tăm, thỉnh thoảng công an phường đưa giấy mời lên bảo lãnh vì tội đánh nhau. Ba mẹ ông lớn tuổi ốm đau triền miên, ông đi bán máu đã gần 10 năm rồi.

Ngoài những người tận cùng khổ cực thì có những chàng thanh niên đến bán máu để chơi game, để lô đề. Như anh chàng Khánh quê ở Bạc Liêu giữ xe cho một quán ăn ở quận 1, suốt ngày chỉ ngồi trông xe gần quán nước vỉa hè nên buồn tình chơi lô đề. Lần đầu chơi nhỏ sau rồi chơi lớn, đến tháng lương chưa có đã hết, dần dần vay bạn bè đến khi không được nữa thì đi bán máu. Khánh cũng đã có "thâm niên" 3 năm. Bây giờ nghe Khánh nói bạn bè Khánh nhiều người cũng bán máu để lấy tiền xài khi túng thiếu.

Những kẻ hút máu người

Có đến mục sở thị các bệnh viện mới thấy sự tàn nhẫn của những người có tiền và những tên cò máu, bởi họ thường lân la tìm đủ mọi cách để lấy tiền từ người đi bán máu dù là một xu nhỏ. Có trăm nghề phát sinh từ việc phục vụ cho nhu cầu người bán máu như là uống thuốc cho tăng hồng cầu. Bà bán nước thì bán trà gừng, cho vay nặng lãi bằng việc cầm thẻ bán máu và chứng minh nhân dân.

Người bán máu cũng biết hết các thủ đoạn của chúng nhưng làm sao được khi trong túi không có một xu. Có những lúc đến định kỳ bán nhưng vì ốm đau bệnh tật không lấy được lại phải viết giấy nợ và nhân đôi tiền lãi, tháng sau cộng vào. Không bao giờ người bán máu có ý định sẽ xù nợ các "cò máu" vì số nợ thường ít, nhưng nó cứ dai dẳng tháng này sang tháng kia và không bao giờ trả hết, các chủ nợ thì cũng có cách quản lý đồng tiền rất chặt chẽ.

Người phụ nữ mà tôi bắt gặp một tay đè lấy cái bông gòn thấm máu, một tay cầm mấy đồng tiền năm mươi ngàn đi ra từ phòng khám đã đến ngay một bà béo phệ trang điểm lòe loẹt nói khẽ: "Em trả chị lần này cho em chịu tiền lãi nghe con em nó bệnh quá".

Tôi nghe ông Tin kể người đàn bà bán máu đó tên Son và người cho vay đó tên Tám béo. Cô Son 36 tuổi lấy chồng không may chồng qua đời 5 năm trước, để lại 3 đứa con, một đứa bị bại não nên nằm một nơi, cô đi bán vé số nhưng cũng không đủ sống cho 4 mẹ con. Tháng nào cũng đi bán máu. Quy định 2 tháng mới được bán một lần nhưng cô vẫn đi các bệnh viện khác nhau để bán. Khi hết tiền thì vay ở mấy người thường đến đây cho vay nặng lãi. 100 ngàn đồng một tháng sau lấy 130 ngàn, mà không bao giờ họ cho vay nhiều, chỉ vay đủ tiền trong một lần bán máu.

Đã gần 11 giờ trưa mà số người bán máu cũng còn rất đông, với đủ khuôn mặt người từ khắp nơi đổ về. Họ có muôn ngàn số phận khác nhau, nhưng cái mà những người đi bán máu có chung một điểm là họ cùng đường nên mới đến đây để bán máu kiếm tiền. Tôi không dám khuyên họ bất cứ một câu gì, bởi cuộc sống ngoài kia vẫn tiếp diễn, và người ta cũng phải sống dù phải bán đi máu của mình...

Tô Hương Sen

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.