Nghề báo – nhiều vinh quang nhưng đôi khi phải đối mặt với nguy hiểm, cạm bẫy, đặc biệt là trong lĩnh vực chống tham nhũng tiêu cực.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để người làm báo có thể phát triển, gắn bó với nghề và mãi nuôi được “lửa nghề”? Làm thế nào để có thể bảo vệ những người làm báo chân chính, không để họ cảm thấy đơn độc trên mặt trận văn hóa, tư tưởng?...
PV báo Người Đưa Tin đã phỏng vấn và nhận được những chia sẻ sâu sắc của Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải – ĐBQH tỉnh Hòa Bình.
PV: Trước hết xin trân trọng cảm ơn bà đã dành thời gian cho báo Người Đưa Tin. Thưa bà, có ý kiến cho rằng nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm. Ý kiến của bà thế nào và làm sao để người làm báo phát triển tốt năng lực của mình trong bối cảnh đó?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải: Nhà báo khi có bài viết liên quan đến đấu tranh chống tiêu cực, một mặt họ sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân, vì đã dũng cảm phản ánh những góc khuất trong đời sống xã hội, nói lên tiếng nói của người dân, bênh vực quyền lợi chính đáng của người dân; nhưng mặt khác có thể họ sẽ nhận được những phản ứng tiêu cực nhiều khi thái quá từ phía cá nhân hay nhóm người nào đó vì quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.
Thực tế, luật Báo chí và nhiều văn bản pháp luật khác đã có cơ chế rõ ràng để bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp và thời gian qua luật đã phát huy khá hiệu quả trong nhiều trường hợp. Nhưng tôi vẫn đánh giá không những nghề làm báo là nghề nguy hiểm mà người làm báo chân chính còn phải là những người dũng cảm để có thể bảo vệ các quan điểm của mình và thậm chí là bảo vệ cả sự an toàn của bản thân.
Bên cạnh đó, người làm báo cũng phải thường xuyên trau dồi kinh nghiệm, rèn luyện bản thân, có năng lực chuyên sâu về lĩnh vực mình theo đuổi. Để tìm được sự đồng thuận của dư luận thì phải có lý luận sắc sảo. Bởi khen một người rất dễ, nhưng chê trách, phản biện lại để phản ánh việc làm tiêu cực đôi khi rất khó. Để đối tượng mình phản ánh thừa nhận sai thì cần hết sức có lý lẽ. Để nhân dân thấy phản ánh của mình là khách quan trung thực thì cần hết sức khách quan, công tâm.
Hiện nay, có thể nói độc giả rất thông thái. Những bài báo mà quan điểm của người viết thiếu khách quan, không minh bạch, phân tích không đầy đủ, gãy gọn, xác đáng, hoặc thậm chí là nghiêng hẳn về một phía nào đó thì độc giả sẽ đánh giá ngay năng lực, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Thậm chí trong một số trường hợp, thương hiệu của nhà báo, tờ báo cũng bị ảnh hưởng.
Nói nghề báo nguy hiểm có thể hơi quá, nhưng tôi khẳng định nhà báo phải dũng cảm. Bên cạnh chuyên môn giỏi, nếu nhà báo dũng cảm thì luôn luôn tồn tại và phát triển, dẫn dắt độc giả theo con đường chính nghĩa. Tôi cũng rất khâm phục những nhà báo luôn tâm huyết, nhiệt tình, tìm tòi vấn đề, đưa đến cho độc giả bài viết hay, chất lượng.
PV: Trong thời điểm công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, người đọc không chỉ tiếp cận thông tin từ báo chí mà có rất nhiều kênh khác. Trách nhiệm của một nhà báo đòi hỏi như thế nào, thưa bà?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải: Đúng như vậy. Hiện nay, bất cứ số liệu hay dẫn chứng nào từ một bài báo, độc giả có thể đi truy xuất nguồn gốc. Nếu bài báo có những thông tin thiếu chính xác, phản cảm sẽ ảnh hưởng lớn đến nội dung của bài báo. Thậm chí, cả bài báo rất hay, phân tích rất đúng nhưng một con số sai lệch sẽ khiến độc giả mất niềm tin.
Tôi muốn nhấn mạnh, chất lượng và tính chính xác của một bài báo rất quan trọng. Nó quyết định uy tín và thương hiệu của nhà báo, tờ báo. Thực tế, một số nhà báo quá nôn nóng hoặc chịu sức ép thông tin nhanh nên có thể sao nhãng tính chính xác với “đứa con tinh thần” của mình.
Do đó, tôi mong các nhà báo hãy quan tâm thỏa đáng tới việc giữ gìn hình ảnh thương hiệu bài báo của mình, tờ báo của mình bằng cách thông tin kịp thời nhưng phải chính xác, khách quan, trung thực và đầy đủ. Tuyệt đối không thể vì nôn nóng đưa tin hay vì bất kỳ lý do nào khác mà vi phạm vào một trong những nguyên tắc nêu trên.
PV: Bà có bình luận gì khi thời gian qua, một số nhà báo không đứng vững trước cám dỗ đồng tiền, đánh mất mình? Trước những “cạm bẫy” khó lường như hiện nay, một nhà báo cần lưu tâm đến vấn đề gì?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải: Tôi không bình luận về một vụ việc cụ thể. Nhưng theo tôi, trong thời đại mở như hiện nay, không chỉ nhà báo mà nhiều ngành nghề khác cũng luôn có nhiều cạm bẫy, cám dỗ sẵn sàng rình rập. Nếu ta không giữ mình, thiếu tỉnh táo, thiếu cẩn trọng sẽ dễ sa vào cạm bẫy đồng tiền, đánh mất mình và ảnh hưởng đến những người quanh ta.
Tôi vẫn có quan điểm rằng, đã là nhà báo thì mọi thông tin đưa ra phải chuẩn mực, chính xác và có nguồn gốc rõ ràng. Tất cả những gì đưa ra trong một bài báo phải khách quan, không bôi đen, cũng như quá tô hồng hiện thực cho dù vì bất kỳ lý do gì đi chăng nữa. Vì vậy nghề báo là nghề “nguy hiểm” nhưng thú vị và nhà báo phải là những chiến sỹ dũng cảm và năng động trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Dương Thu (thực hiện)