Quê Nghệ An, cũng như Văn Quyến, tiền đạo Công Phượng có tuổi thơ nghèo và đam mê bóng đá dù chỉ đá bóng cuộn bằng rơm hoặc lá chuối. Chỉ có khác, Văn Quyến đi lên từ CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An, còn Công Phượng sau khi bị tuyển trẻ Sông Lam Nghệ An loại đã trưởng thành từ Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG.
Cả làng tự hào
Từ khu di tích lịch sử Truông Bồn vào xóm 6, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), hỏi nhà tiền đạo U19 Công Phượng ai cũng biết. Người dân ở đây còn nói: “Ở “trửa” (giữa) ta mà có chân sút hay như thằng Phượng thật tuyệt vời. Mẹ hắn vừa đội nón cời đạp xe chở hắn đi học bóng đá mà giờ đi đá quốc tế. Tài thật!”.
Bà Nguyễn Thị Hoa (54 tuổi, mẹ Công Phượng) kể: “Chiều 7-10, ở trận đá với U-19 Úc, vợ chồng tui đang gặt lúa ngoài đồng nghe mấy người phóng xe máy dừng lại trên đường kêu: Về làng, về xem người Mỹ Sơn đá bóng. Mấy người đứng dưới ruộng hỏi: Người Mỹ Sơn là ai? Họ bảo: Thằng Phượng con bà Hoa chứ còn ai nữa. Rứa là vợ chồng tui vác cả bó lúa đi cồn cột về nhà.
Vừa thả bó lúa giữa sân, mấy người hàng xóm lại giục: Mở mạng mà coi trực tuyến bà Hoa ơi, thằng Phượng vừa ghi bàn mở tỉ số ở phút thứ 9, tuyệt lắm! Nhà tui có vi tính đâu mà mở mạng. Nhớ hôm xem VTV6 trận ta đá với Indonesia, mỗi khi thằng Phượng dẫn bóng rồi sút, vợ chồng tui cứ rối tung rối mù vì nhà chật, người xem ai cũng nhảy lên reo hò. Khi thằng Phượng bị thay ra, chị gái tui ở huyện Thanh Chương gọi đến hỏi: Dì ơi, răng lại thay thằng Phượng, hắn đá hay mà. Tui trả lời: Thay là do thầy của hắn chớ, ai mà biết được”.
Ông Bảy gọi điện cho Công Phượng khi Phượng vừa về đến sân bay Tân Sơn Nhất
Trả lời câu hỏi: “Xem trận đó ông bà nghĩ gì về con mình?”, bà Hoa nói: “Sướng hơn cả tiền bạc. Con đá bóng được nhiều người khen, sướng lắm. Bữa đó vợ chồng quên ăn tối mà không thấy đói”. Nói đoạn, bà Hoa rưng rưng: “Tui có năm đứa con. Thằng Khoa thứ tư, thằng Phượng là út. Thằng Khoa mà còn sống thì chưa biết chừng cả hai anh em đều theo nghề đá bóng. Hai anh em “nghiện” chơi bóng từ hồi học vỡ lòng. Năm 9 tuổi (2004), Khoa mất do ngã xuống đầm nước khi đi chăn trâu ngoài đồng. Một năm sau, khi Phượng 10 tuổi, tui mới chở đi học đá bóng trên huyện Đô Lương”.
Tuổi thơ bóng đá
Năm học vỡ lòng, khi nào sân ximăng (khoảng 30m2) trước nhà không phơi lúa là Phượng mang bóng ra đá với anh. Quả bóng được cuộn bằng lá chuối khô hoặc rơm khô. Sau đó, hai anh em kiếm được quả bóng nhựa nhưng chơi được vài hôm, Phượng nói với mẹ: “Con không đá bóng nhựa nữa, nhẹ lắm. Mẹ lên thị trấn mua cho con quả bóng bằng cao su”.
Dù bảo thôi đừng chơi nữa con à, tiền mô cho lại nhưng bà cũng mua cho con quả bóng cao su to bằng quả bưởi. Trời nắng mấy, hai anh em cũng mang ra sân đá. Trời mưa thì đứng hai đầu thềm, em đá thì anh bắt gôn nhưng khi nào Phượng cũng dặn anh “bắt gôn phải bổ (ngã) cho thật đẹp mới được tính điểm”.
Năm lớp 1, đi học về là Phượng mang bóng ra thi tâng bóng với anh và nhờ mẹ đếm. Bà Hoa đếm mỏi cả miệng rồi bảo Phượng lấy đồng hồ bàn ra mà xem để bà còn đi nấu cơm. Hồi đó, Phượng tâng khoảng 5-6 phút bóng mới rơi một lần. Hễ ăn cơm trưa xong là Phượng bắt mẹ lên ngồi xem mình đá bóng. Phượng đặt một cái chai đầu sân rồi đứng cuối sân đá thi với anh. Đá trúng chai được tính 1-0.
Năm 2005, khi đang học lớp 4, một hôm từ trường về, Phượng nói với bà Hoa: “Ở thị trấn Đô Lương có người của CLB Sông Lam Nghệ An về dạy bóng đá, mẹ chở con đi học đi”. Thế là vợ chồng bà Hoa thay nhau chở Phượng lên Trung tâm Văn hóa huyện Đô Lương cách nhà 18km để học. Năm 2006, khi Phượng lên lớp 5, Sông Lam Nghệ An đưa Phượng về nuôi một năm rồi thi tuyển. Hôm đó đi xe buýt tới xem con thi tuyển, ông Bảy hồi hộp khi nghe người đứng xem nói: “Thằng Phượng con anh đạt 100% rồi”. Nhưng sau hai lần đứng lên bàn cân, Phượng đều bị loại vì chỉ nặng 20,5kg.
Trúng tuyển Học viện Hoàng Anh Gia Lai
Cha con về nhà được ít hôm, Phượng lại giục nhà cho lên huyện học đá bóng tiếp. Một chiều ngồi xem chương trình thể thao trên tivi, Phượng reo lên rồi chạy ra đồng kéo mẹ về nhà xem và nói: “Học viện Hoàng Anh Gia Lai và người nước ngoài đang tuyển cầu thủ mẹ ơi. Con còn đủ tuổi, mẹ đưa con vô tuyển đi”. Bà Hoa cự lại: “Con còn nhỏ, khi mô vác được bao ximăng 5 yến, đi phụ hồ cho bố xây được nhà thì mẹ đưa đi. Sông Lam Nghệ An mà còn loại thì vô trong nớ răng mà trúng được”.
Nhưng Phượng không chịu và nói: “Không, con đi đá bóng, không đi phụ hồ. Mẹ xem, mấy đứa vô tuyển còm tóm (gầy) hơn con”. Bà Hoa cự tiếp: “Con tưởng bở à, tiền mô mà đi xa thế, còn ăn ở nữa”. Hôm sau xem tiếp chương trình 360 độ thể thao, đến đoạn Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG tuyển cầu thủ, Phượng lại kéo mẹ vô xem rồi giục: “Họ chưa cần người to cao đâu. Mẹ điện cho bố về đưa con vô Hoàng Anh Gia Lai đi”.
Bà Hoa đành gọi điện cho chồng đang đi làm thợ xây về. Ông Bảy bắt đầu tìm xem có ai là người thân ở Pleiku không. Cuối cùng, ông tìm được người trong họ là anh Nguyên làm nghề chụp ảnh ở gần sân Pleiku. Khi nghe ông Bảy đặt vấn đề đưa Phượng vào thi tuyển ở Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG, anh Nguyên nói: “Bác cứ đưa cháu vô đi, ngày kia họ tuyển rồi”.21g hôm đó vợ chồng ông Bảy bán non (lấy tiền trước) bốn tạ lúa và con lợn 25kg rồi đưa Phượng xuống Vinh đi xe đò lúc 12g vào Pleiku. Hôm thi tuyển, ông Bảy ngồi trên khán đài nhìn 400 thí sinh dự tuyển mà lo con mình khó trụ nổi. Nhưng khi Phượng vô đá với năm thí sinh khác khoảng ba phút thì được giữ lại. Trong 16 thí sinh được chọn có Phượng. 15 ngày sau, ông nhận giấy báo Phượng đã trúng tuyển.
“Hôm đưa Phượng vào, thầy Bảo nói chúc mừng bác, đường xa lặn lội như thế nhưng con bác đã đạt yêu cầu - ông Bảy vui nói và kể thêm một chi tiết - Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG chú trọng năng khiếu bóng đá chứ không quan trọng chuyện cân nặng của Phượng. Hôm đó thấy Phượng nhỏ con, họ không đưa Phượng lên bàn cân mà cân tui được 58kg, cao 1,7m. Sau năm năm, Phượng đã cao 1,7m và nặng 58kg”. Lần ấy khi về nhà Phượng ôm mẹ nói: “Mẹ này, bố mẹ không đưa con đi là trật rồi”.
Theo Thanh niên