Người đời ngoài kia ai cũng thích người khác lắng nghe mình nhưng chẳng nhiều người chịu lắng nghe ai. Chúng ta để cảm xúc của mình dẫn dắt mình đi thay vì đôi tai. Cáu giận lên thì đôi tai bít kín, đối phương nói gì cũng là sai hết. Vào cơn tranh thắng thì nghe thành cơn cớ để dập vùi đối phương, giọng mình át cả tai mình vậy.
Ừ thì đời huyên náo, người cũng láo nháo, đâu phải ai nói cũng đáng để nghe, nhiều khi cũng phải diễn vai người nghe. Nhưng người ở bên mình mà mình chẳng dành cho họ đôi tai mở thì mình đúng là kẻ điếc rồi. Như khi con cái mang niềm vui của nó ra khoe thì cha mẹ lại đáp bằng bận bịu.
Buồn nhất là những cuộc hôn nhân điếc đặc. Nơi người chồng chẳng muốn nghe vợ tỉ tê tâm sự, nơi người vợ chỉ nói, nói, nói mà chẳng hề nghe. Nơi vợ chồng nói với nhau còn ít hơn cả với đồng nghiệp, thậm chí, chán chả buồn nói nữa vì nói ra ông ấy có chịu nghe đâu, nói ra bà ấy có chịu hiểu đâu. Cứ vậy mà lâu dần đôi tai bít kín lúc nào không hay. Vì không nghe nên chẳng còn hiểu nhau nữa.
Tôi vẫn nghĩ rằng thính lực của con người vốn chẳng ở việc chúng ta có đôi tai thính nhạy mà ở trái tim thính nhạy. Nghe bởi trái tim là thế. Là khi người ta dùng trái tim mình để lắng nghe bạn đời, lắng nghe con cái. Nghe bởi trái tim sẽ hiểu được cả những điều bạn đời mình chưa nói ra, con cái mình chưa thốt lên. Về một mặt nào đó, tôi luôn tín nhiệm những người mẹ ở khả năng này. Nhưng nó lại chẳng nhạy lắm với những người vợ. Không phải vì họ yêu con nhiều hơn yêu chồng đâu. Mà là vì chính những người chồng quên “luyện tập” cho vợ mình năng lực lắng nghe ấy. Các anh lười chia sẻ với vợ, nhiều anh còn to mồm quát tháo vợ khiến trái tim của cô ấy ù đi, điếc đặc. Đàn ông ăn to nói lớn ở đâu tôi không biết nhưng quát tháo vợ con thì rõ là các anh bị phình ống dẫn chuyện rồi.
Nghe bởi trái tim chẳng có gì là cao siêu hay sâu xa gì sất. Chỉ bằng trái tim ta có chỗ cho người đó vậy thôi. Là đặt họ vào trái tim mình, nghe họ bằng lòng yêu họ. Điều đó có khó lắm không?
Hoàng Anh Tú