Cuộc đời người ngư phủ sống trên biển nhiều hơn ở đất liền, họ gắn bó với biển từ lúc sinh ra, cho đến khi chết đi. Ngàn năm sóng vẫn xô bờ và ngàn năm ngư dân vẫn gắn đời mình với biển như chân lý trường tồn. Chúng tôi tìm về nơi có nghề câu khơi (đi đánh cá xa bờ - PV) nổi tiếng và biết được những chuyện đậm chất hùng ca trong những chuyến tàu cưỡi sóng ra khơi...
Ngược dòng lịch sử, nghề câu khơi được ngư dân ở vùng biển Lagi (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) gìn giữ và phát triển nhiều đời nay. Những ngư dân ở đây đều là những người có kinh nghiệm truyền đời về ngư nghiệp để đánh bắt cá. Cứ như thế, bố truyền nghề cho con, ông dạy cho cháu cách thu phục từng đàn cá. Đến nay, những tàu cá được trang bị những vật dụng hiện đại và thanh niên trai tráng làng vạn chài sẵn sàng giăng buồm ra khơi bất cứ lúc nào...
Bí quyết tạo dây triêng và móc câu đánh cá
Ngày trước ngư dân không có la bàn, máy định vị icon hay tầm ngư... nhưng những ngư dân ở vùng biển Lagi vẫn ra khơi thu phục từng đàn cá. Vùng đất hiếu khách này còn là điểm dừng chân của các ngư dân ở Bình Định, Hà Tĩnh... vào đây lập nghiệp. Theo các ngư dân nghề câu khơi là nghề đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi biển kéo dài cả tháng. Ngư dân theo nghề câu khơi có thể đánh bắt được nhiều loại cá lớn nhỏ khác nhau, trong đó có cả loài cá mập hung dữ. Mùa câu khơi được người dân coi là "cao điểm" thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12. Vì mùa này biển động dữ dội, những đàn cá thi nhau tràn về biển Đông trú ngụ.
Mỗi chuyến ra khơi có hàng trăm thuyền lớn, nhỏ khác nhau tỏa ra các hướng, tràn về biển Đông. Cứ khoảng 5-10 thuyền đi cùng một hướng, phòng khi xảy ra hoạn nạn còn tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Một tháng ngư dân cập bờ biển một lần. Mỗi khi câu được những mẻ cá lớn, cả tàu và người quần nhau với cá trên Biển Đông ầm ầm, dấy lên những đợt sóng mạnh như một trận chiến, chỉ có những ngư dân tham gia đánh bắt cá ngoài khơi xa như thế mới thấy hết được cảnh tượng lúc ấy hùng vĩ, mạo hiểm và cũng đậm chất hùng ca như thế nào. Bản hùng ca của những người giữ lửa nghề của cha ông.
Nhiều năm về trước, vật dụng phục vụ việc câu khơi được các ngư dân tự chế biến theo phương pháp thủ công. Ngư phủ Phan Ngọc Long (49 tuổi) tiết lộ: "Từ các lưỡi câu, những tấm lưới đều do ngư dân tự tay làm ra, sau mỗi chuyến đi biển dài ngày về anh em lại ngồi với nhau cả ngày, mài, cắt dũa, bẻ ngạnh, uốn khoen mới được chừng 10 lưỡi câu. Việc tạo lưỡi câu sao cho cá dễ mắc, khó thoát cũng rất kỳ công. Còn đan lưới mất từ 10 ngày, đến 1 tháng mới hoàn thành. Mồi câu chủ yếu là những loại cá nhỏ có mùi tanh đậm như cá nục, cá chuồn, cá mối”...
Hiện nay, tại thị xã La Gi có hàng trăm thuyền lớn nhỏ hành nghề câu khơi. Dàn dây triêng mỗi tàu dài khoảng 10-15 hải lí, các máy câu tự động được thay thế dàn câu tay truyền thống. Ông Hoàng Thái Sơn, Phó Chủ tịch nghiệp đoàn thủy hải sản thị xã Lagi, đồng thời là một ngư dân bám nghề câu khơi 30 năm chia sẻ: "Triêng là sợi cước 180 li cứ cách 60m một đoạn cước 22 li, dài khoảng 7 sải tay được cột dính vào gọi là thẻo câu. Dưới cùng của thẻo câu là đoạn kẽm inox gồm ba sợi bện vào nhau dài hơn 1m (gọi là dây đờn), sau cùng lưỡi câu cũng làm bằng inox 6 li được đeo khoen vào đoạn dây đờn. Hành nghề câu khơi mà không có triêng thì khó lòng mà câu được cá lớn".
Ngư dân đang chuẩn bị đồ nghề ra khơi.
Bám biển sống là niềm tin bất diệt
Ông Nguyễn Minh Thông, cán bộ phụ trách thủy, hải sản phường Phước Hội (thị xã La Gi) cho biết: "La Gi là địa phương giáp biển, đất để canh tác nông nghiệp gần như không có. Nghề duy nhất của người dân là đánh bắt và chế biến hải hản. Người dân ở La Gi từ bao đời nay chỉ gắn bó với biển vì biển là nguồn sống mang lại miếng cơm manh áo cho người dân, tiền học hành cho con em đến trường. Tuy nhiên, nghề câu khơi cũng lấy đi những mất mát, đau thương không thể bù đắp được bằng hiện vật. Song vị mặn mòi của biển khơi đã thấm vào từng thớ đất, con người nơi đây nên việc bám biển sống là niềm tin bất di bất dịch". Ngoài cảng cá La Gi lộng gió, cái nắng của buổi chiều không còn gay gắt, nhiều ngư dân đang hối hả chuẩn bị những nhu yếu phẩm cần thiết cho một chuyến đánh bắt xa bờ trong dài ngày, và họ chấp nhận đối mặt với những hiểm nguy giữa biển khơi.
Trong không gian náo nhiệt ở cảng, các ngư dân cầu mong sao cho trời yên biển lặng để họ trở về cùng khoang cá đầy ắp. Đối với những ngư dân bám biển mỗi lần giong thuyền ra khơi là mỗi lần đặt cược tính mạng mình với đầu sóng ngọn gió. Nhưng từ bao đời nay, những ngư dân làng chài chưa bao giờ khuyên họ ngưng việc đi biển. Bởi biển là nguồn sống của gia đình họ, là ngôi nhà thứ hai của họ. Ngư dân Nguyễn Thái Quang (43 tuổi) ở thị xã La Gi đã từng bám biển từ khi 15 tuổi bày tỏ: "Gần 20 năm lênh đênh trên biển, tôi và anh em vạn chài vào sinh ra tử rất nhiều lần nhưng mỗi khi chứng kiến cảnh phong ba bão táp ập đến, tôi vẫn cảm thấy rùng mình. Ai đi biển cũng nói tôi đây không sợ gì cả, nhưng đã không ít lần các ngư dân phải rùng mình trước sự giận giữ của biển cả Ngư dân chúng tôi "ở lại" với biển khơi là chuyện bình thường. Song với gia đình, vợ con họ sẽ thế nào khi ngôi nhà vắng bóng dáng người chồng, người cha...".
Anh Nguyễn Minh Tâm (34 tuổi), ngụ tại phường Phước Lộc (thị xã La Gi) là một ví dụ: 16 tuổi anh bắt đầu theo cha đi biển. Với anh biển mang lại lắm chuyện buồn, vui. Khi mới chập chững leo lên thuyền ra khơi, anh cũng như nhiều người khác từng bị rơi tõm xuống biển khi thu phục cá lớn, từng bị tay quay của máy bạc va trúng làm trọng thương ở cánh tay ở đầu phải nằm viện để điều trị vết thương hàng tháng liền. Và nhiều ngư dân khác ở vùng biển La Gi vì cuộc sống đã phải rời ghế nhà trường khi đang học cấp 1, cấp 2 để đối diện với những cơn sóng dữ và hàm răng sắc nhọn của những loài cá dữ.
Song cứ không đi biển là lại nhớ, lại thèm cái cảm giác lênh đênh, mêng mông của biển cả quanh mình. Ngư phủ dù vất vả, nhưng ai cũng biết dăm bảy câu hò, vè để mỗi khi nổi hứng lại ngân nga như thể vừa là dũng sỹ vừa là thi sỹ của biển khơi.
Quyên Triệu - Hương Lam
Kỳ 2: Những tuyệt chiêu thu phục cá "khổng lồ" ở Biển Đông