Làm bác sĩ bên kia chiến tuyến
Dù công việc bận rộn nhưng bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy (SN 1947, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn tiếp đón chúng tôi với nụ cười thân thiện. Tuổi ông đã xế chiều, mái tóc đã bạc trắng, nhưng ở ông vẫn toát lên một sự năng động và niềm nhiệt huyết, say mê. Ông bảo: "Tôi đã già nên phải tranh thủ thời gian ít ỏi của mình để làm việc. Đời người có ai sống được hai lần, mà tôi làm việc thế này đâu đã ăn thua gì so với cái thời làm biệt động. Lúc đó, tôi phải vừa làm việc cho địch vừa làm cho ta, nguy hiểm gấp mấy lần ấy chứ. Đó là cái thời thanh xuân, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ".
Năm 1971, khi đang vừa tham gia học tập vừa hoạt động an ninh vũ trang, ông được phân công làm Cụm phó cụm điệp báo A10 thuộc Ban an ninh (Sài Gòn - Gia Định) với bí danh Năm Quang. Ông bồi hồi nhớ lại: "Những năm 1971 - 1972, các tổ chức của Thành Đoàn bị địch đánh phá gần như tê liệt. Thực hiện chủ trương tấn công vào chính trị để làm phân hóa hàng ngũ địch và thu thập thông tin tình báo, tôi cùng liên minh với một số đồng chí khác tham gia vào công tác tình báo. Bề ngoài thì chúng tôi chữa bệnh cho mọi người, nhưng việc chính vẫn là tấn công chính trị, tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ".
Bác sĩ Khánh Duy trở về với thời bình
Năm 1973, sau khi tốt nghiệp đại học, ông bị địch bắt vào phục vụ trong quân đội ngụy. Mọi việc như vừa xảy ra hôm qua, bàn tay run run xúc động, ông nói tiếp: "Khi nhận được tin, tôi kháng cự rất mãnh liệt. Đúng lúc đó, tôi nhận được mật thư của đồng chí Trần Ngọc Ban (nguyên là phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, bí danh Mười Hương): "Năm Quang cần phải đi để giữ thế hợp pháp". Đây là điều kiện để tổ chức có thể ở lại hoạt động ở thành thị, thực hiện yêu cầu trinh sát đánh địch của Ban an ninh T4. Lúc này, tôi biết rằng mình nên làm gì nên đã rất nhanh chóng lấy được sự tin tưởng của địch. Chẳng bao lâu, tôi được thăng chức lên làm bác sĩ trưởng của Lữ đoàn 258 của thủy quân lục chiến với cấp hàm Đại úy".
Mọi việc làm và hành động của tình báo Năm Quang khéo léo đến nỗi tất cả binh lính, sĩ quan ngụy đều rất tin tưởng ông. Thấy sức khỏe của binh lính được chăm sóc kĩ càng chu đáo nên thiếu tướng Bùi Thế Lân (Tư lệnh sư đoàn thủy quân lục chiến Ngụy) còn tặng ông huân chương "Anh dũng bội tinh" (huân chương bậc cao của chính quyền Ngụy). Sau ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, bác sĩ Khánh Duy vui mừng khôn xiết khi được trở về với chính mình, gặp lại những người yêu thương, mong nhớ.
Tuyên chiến với "cái chết trắng"
Giã từ vũ khí, những người lính trở về từ chiến trường vẫn mang trong mình truyền thống quật cường, khí phách hiên ngang của một thời gian khổ. Giờ đây, những bom đạn của một thời có thêm sự phấn chấn và ý chí để làm nhiệm vụ của một "người lính thời bình". Bác sĩ Khánh Duy được phân công công tác tại trại giam Chí Hòa (TP.HCM). Tại đây, ông phải điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân bị nghiện ma túy. Là một bác sĩ, chứng kiến những chàng trai, cô gái tuổi còn rất trẻ đánh mất tương lai của mình chỉ vì ma túy khiến ông không khỏi xót xa.
Những năm sau đó, ông lại phân chuyển về làm Hội thẩm tòa án nhân dân TP.HCM. Cũng chính tại nơi đây, ông phải xét xử nhiều vụ án giết người, cướp của... liên quan đến ma túy. Cuối cùng, ông nhận thấy rằng ma túy thực sự là một hiểm họa của toàn xã hội, nó không chỉ hủy hoại đi nhân cách, đạo đức của con người mà còn là khởi nguồn của mọi tội ác. Chính vì thế, ông cùng đồng đội của mình đã tận dụng quỹ thời gian ít ỏi còn lại của đời người thành lập nên Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Đa Thanh (TP.HCM) để níu lại những mảnh đời trót sa ngã vào "cái chết trắng".
Vào năm 2000, khi vừa nhận được quyết định nghỉ hưu, ông không giành thời gian đó để an dưỡng tuổi già mà lại huy động bạn bè của mình, những cựu chiến binh từng vào sinh ra tử cùng thành lập nên trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa. Ông ôn tồn nói: "Lúc bấy giờ, tôi thấy thảm họa nguy hại nhất giết chết thế hệ trẻ chính là nạn nghiện ma túy và đại dịch HIV/AIDS. Chính vì thế, anh em chúng tôi lúc đó thấy rằng cần phải lao ngay vào mặt trận này. Những người lính chúng tôi đã vào sinh ra tử một thời luôn giữ vững ý chí trong mọi khó khăn. "Mặt trận không tiếng súng" này cũng vậy, cái gì khó là người lính phải đi đầu và phải hoàn thành nhiệm vụ".
Chúng tôi quay trở lại phòng làm việc để ông thì gặp một cậu thanh niên. Đó là N.Q.D. (20 tuổi, ngụ tại Vũng Tàu) vừa rời khỏi Trung tâm cách đây sáu tháng. Vừa gặp bác sĩ Khánh Duy, anh gọi lớn "bố già" và ôm chầm lấy ông. Nhưng đôi mắt "bố già" lại chùng xuống, nghiêm nghị nói: "Tôi biết cậu vẫn còn nhớ nơi này, có thể nó là những kỷ niệm khó quên. Nhưng cậu hãy quên nó đi, hãy quên đi những gì xấu xí trong quá khứ và hướng tới tương lai. Tuổi trẻ là phải hướng tới tương lai, đừng quay trở lại đây nữa". Nói rồi, đôi mắt ông như ngấn lệ nhưng vẫn vỗ vai cậu thanh niên với niềm tin vững chãi.
Đối với "bố già" Khánh Duy, phương thức quyết định thắng lợi trong cuộc chiến với ma túy chính là tình thương. Ông luôn nói với các cán bộ, y bác sĩ trong Trung tâm rằng: "Làm công tác cai nghiện mà thiếu đi tấm lòng thì coi như thất bại". Bởi vậy, ông thường về nhà sau khi những "đứa con" của mình đã vào phòng đi ngủ và trở lại trung tâm khi những "đứa con" chưa thức giấc. Dù về nhà hay đi công tác ở đâu, trong lòng ông luôn cảm thấy nhớ Trung tâm. Đối với ông, Trung tâm như là ngôi nhà thứ hai, không thể thiếu trong cuộc đời.
HẠ DU