Ông Bùi Hồng Thái và dụng cụ chữa rắn độc cắn
Nhà ông Bùi Hồng Thái nằm nép mình trong xóm núi Châu Sơn, xã Thạch Định, khá tĩnh lặng. Dù ông là người nổi tiếng về cách chữa trị rắn độc cắn, nhưng không bảng hiệu, không biển quảng cáo, không chỉ dẫn….
Nhìn ngôi nhà ngói đơn sơ của ông, tôi trộm nghĩ: Hàng chục năm qua, những người được ông cứu thoát khỏi bàn tay của tử thần có thể sẽ mang đến hậu tạ ông bằng tiền bạc, sự giàu có chăng? Có lẽ là không, bởi tôi nghĩ rằng, việc cứu người của ông chỉ là việc làm phúc, ông không tơ hào, không ham hố, tham lam.
Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, ông bảo: “Nếu làm việc này mà tôi cũng mặc cả tiền bạc khi có người đến đây cậy nhờ, thì tôi không phải sống trong điều kiện như vậy. Nhưng, nghề của tôi đơn giản chỉ là cứu người làm phúc mà thôi”.
Ông kể, cũng có nhiều người bị rắn cắn sắp chết, khi được ông cứu sống, họ đã có nhã ý trả ông bằng những số tiền hậu hĩnh, nhưng ông nhất quyết không nhận. “Có chăng, những người đến đây được tôi cứu sống, cũng hậu tạ tôi vài trăm ngàn. Vì thế, tôi sẽ coi đó là lễ vật để dâng lên báo cáo với tổ tiên về việc làm phúc của mình. Đó cũng là “nguyên tắc” của mẹ tôi truyền lại rằng: Không được tham lam, không được đòi người trả ơn mình khi làm phúc” - ông Thái khẳng định.
Nghe tôi đề cập đến vấn đề truyền nghề cho con cháu đời sau, ông đăm chiêu một lát rồi bảo: “Thú thật với anh, chính tôi cũng không lý giải được cách chữa rắn cắn này. Có thể đó là một điều tâm linh, duy tâm của ông bà xưa truyền lại, nhưng khi áp dụng vào thực tế thì hoàn toàn hiệu nghiệm. Tâm nguyện của tôi là sẽ truyền lại cho thằng Dũng, con út trong nhà. Nhưng, hiện nay cũng chưa thể biết là con tôi có làm được không, vì nghề này cần phải có cái tâm”.
Chia tay ông Thái, trên đường về, trong tâm trí tôi luôn hiện lên hình ảnh ông già quắc thước, tóc bạc như tơ, giọng nói ấm lạ ấy lại là ân nhân cứu mạng của hàng trăm người. Và tôi nghĩ, chuyện cứu người ly kỳ ấy của ông Thái nên chăng cần sớm được các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu, giải mã…
P.V